Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển Đại học Thái Nguyên và tình hình giáo dục địa phương

Đăng ngày: 23-09-2020 | 619 lần đọc
|

Chiều 22/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình giáo dục địa phương và định hướng phát triển Đại học Thái Nguyên trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang -  Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Giám đốc ĐHTN; Bí thư, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Đại học.

23-9-2020-BT-1.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đồng chí Trịnh Việt Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên. Báo cáo nêu rõ, những năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp của tỉnh đã phát triển đều khắp từ mầm non đến phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Từ năm 2016 đến tháng 12/2019, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 trường, sáp nhập được 30 trường phổ thông; số trường đạt chuẩn quốc gia là 572/683 trường. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trên toàn tỉnh đạt 71,98%, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đối với lớp 1 đã đảm bảo 1 lớp/phòng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với chủ trương “lấy chất lượng để duy trì và phát triển số lượng”, 5 năm qua, các chỉ số đánh giá đều đạt mức cao so với giai đoạn 2010-2015. Chất lượng giáo dục tỉnh Thái Nguyên có chuyển biến rõ nét, bền vững. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết là đối với lớp 1.

Trao đổi về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn song Thái Nguyên là một trong những tỉnh chi ngân sách địa phương cho giáo dục lớn và tăng qua từng năm. Năm 2020, nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục là khoảng 3.700 tỷ đồng.

Với tiềm năng, thế mạnh, cũng như quyết tâm của địa phương, ông Vũ Hồng Bắc cho rằng, “Thái Nguyên phải tiếp tục khẳng định mình để trở thành trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc”, từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mong muốn, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, quan tâm, ưu tiên để giáo dục và đào tạo Thái Nguyên phát triển.

Đánh giá cao kết quả giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên không chỉ trong năm học 2019-2020 mà trong cả nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các chỉ số của giáo dục địa phương đã cơ bản đạt và vượt.

“Phải đặt trong cả khu vực miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn mới thấy kết quả đạt được là cố gắng lớn”, Bộ trưởng nói, đồng thời chỉ ra một số kết quả quan trọng của giáo dục Thái Nguyên như chất lượng phổ cập giáo dục, khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh các bậc học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; các điều kiện đảm bảo chất lượng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng, giáo dục Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó, các thiết chế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn miền núi còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỷ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp; giáo dục mũi nhọn đã được cải thiện nhưng cần được đầu tư hơn nữa để hướng tới các giải thưởng quốc tế.

Để giải quyết bài toán khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới (2021-2026), từ đó nhìn rõ bức tranh thực trạng, có giải pháp căn cơ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như xác định nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhiệm vụ ngành Giáo dục Thái Nguyên cần thực hiện trong năm học mới như: triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống; tăng cường phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh; đảm bảo an toàn trường học…

"Đại học Thái Nguyên quyết liệt gắn chặt chẽ với sự phát triển của địa phương"

Đề cập đến một đề án quan trọng nữa mà tỉnh Thái Nguyên cần tập trung xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 5, 10 năm tới, đó là đề án phát triển nguồn nhân lực địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đề án này sẽ giúp Thái Nguyên chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực cho từng nhóm ngành nghề cụ thể, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững.

Với vị thế của một đại học vùng đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - là động lực phát triển không chỉ của tỉnh mà còn cả khu vực, theo Bộ trưởng, Đại học Thái Nguyên cần tham gia tư vấn, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai cả 3 đề án: Phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực.

23-9-2020-BT-2.jpg

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi thêm với Đại học Thái Nguyên về định hướng phát triển, Bộ trưởng lưu ý, Đại học Thái Nguyên cần căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thái Nguyên và rộng hơn là cả khu vực để quy hoạch lại ngành nghề đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào năng lực của các trường để thành lập các nhóm nghiên cứu, dần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.

Đánh giá cao việc Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) vừa qua đã nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, Bộ trưởng đề nghị, Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác, nhất là của nước ngoài để triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng theo đơn đặt hàng với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực.

Đối với mô hình 2 cấp hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, đổi mới cách thức hoạt động, quản lý, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở thành viên, tạo điều kiện để các trường thành viên được tự chủ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo những quy định có tính chất tập thể. Trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cần tăng cường các nguồn lực dùng chung.

23-9-2020-BT-3.jpg

Bộ trưởng nhấn mạnh vị thế, vai trò của Đại học Thái Nguyên đối với tỉnh Thái Nguyên và khu vực

“Đại học Thái Nguyên rất quyết liệt gắn chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, tạo cơ hội cho sự phát triển của trường”, Bộ trưởng nói.

Khẳng định, những trao đổi, đề nghị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác Bộ GDĐT đã gợi mở nhiều vấn đề mà tỉnh Thái Nguyên có thể xem xét, triển khai trong giai đoạn tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải mong muốn, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để các đề án như đã được đề cập tại buổi làm việc sẽ được thực hiện trong thực tế.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 của Đại học Thái Nguyên, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, trong 5 năm, mỗi năm Đại học Thái Nguyên đào tạo được trên 8.500 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng nghề; 1.350 thạc sĩ và tương đương; 20-25 tiến sĩ; 100-150 lưu học sinh nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Giai đoạn 2015-2020, Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện 8 chương trình khoa học công nghệ, 45 đề tài cấp nhà nước, 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ. Đại học Thái Nguyên cũng đứng trong top 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, xếp hạng 3/35 về chỉ số nội lực. Chú trọng công tác kiểm định chất lượng giáo dục, 7/7 trường đại học thành viên đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng từ năm 2017; có 9 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc gia.

Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 của Đại học Thái Nguyên là tạo bước chuyển căn bản về chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; xây dựng và phát triển mô hình đại học điện tử. Xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên thành bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và khu vực, tạo nền tảng đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thanh Loan – TNU Media