Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính

Đăng ngày: 20-05-2020 | 729 lần đọc
|
 

Ước mơ làm khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn

PGS.TS Trần Thị Thu Hà sinh ra lớn lên ở một vùng quê miền núi Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ đến trường của chị đã có sự gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh trong suốt 3 năm THPT nhưng vào đại học, chị lại học chuyên ngành Lâm sinh như một cơ duyên với nghề. "Từ vùng quê miền núi, tôi thấu hiểu hơn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và môi trường sinh thái, vấn đề sinh kế của người dân gắn liền với rừng. Thu nhập chính của đồng bào miền núi là các sản phẩm phụ từ rừng như các loài rau quả rừng, các cây thuốc quý, mây tre,…" - PGS.TS Thu Hà chia sẻ.

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) miệt mài trong phòng thí nghiệm

Tốt nghiệp đại học, chị Hà bắt đầu làm việc với rất nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid,… về các chương trình dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Với những vị trí làm việc đã qua từ cán bộ hiện trường cho đến chuyên gia quốc gia, chị luôn đau đáu tự hỏi "Tiến trình đổi mới của đất nước rất thành công ở vùng đồng bằng, sao lại chậm và khó khăn thế đối với vùng cao?".

Các nghiên cứu ban đầu của chị từ năm 1995 tập trung vào hệ thống canh tác nông lâm kết hợp với sự tài trợ của Tổ chức FAO tại Bangkok (Thái Lan) đã cho chị một sự khởi đầu tập trung vào lâm nghiệp và sinh kế. Những nghiên cứu tiếp theo luôn có bước tiếp nối. "Chính sách cho phát triển lâm nghiệp và sinh kế vùng cao tương đối là hoàn hảo ở tầm vĩ mô nhưng ở các vùng núi cao vẫn rất khó để thành công bởi các yếu tố đặc thù. Có lẽ những chuyến công tác dài ngày vùng cao đã trở thành chuyện thường ngày đối với tôi suốt nhiều năm nay, đến mức thành thói quen không có gì phải bàn cãi", chị cho biết.

Hiện đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây dược liệu và lâm nghiệp của PGS.TS Trần Thị Thu Hà được áp dụng vào thực tiễn.

Các quy trình này đã được chuyển giao cho các tỉnh để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn mới.

Chị cũng có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế.

Càng gặp bà con nông dân, cán bộ và lãnh đạo ở vùng cao, chị càng thấu hiểu và đó trở thành lý do thúc đẩy chị có những nghiên cứu sáng tạo có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn cho người dân địa phương. Đó cũng có thể là kế sách cho các nhà quản lý nơi đây. Việc đột phá đưa giống tốt vào sản xuất được xem là hướng ưu tiên cho nghiên cứu khoa học của chị Hà.

"Tôi đã tập trung vào việc điều tra, thu thập các giống cây dược liệu, cây lâm đặc sản quý có giá trị kinh tế cao có nguy cơ tuyệt chủng ở các khu rừng để tiến hành nghiên cứu lai tạo giống mới và nhân giống phục vụ cho người dân vùng cao phát triển theo lợi thế địa phương. Được sự quan tâm của các bộ ngành và đại học, tôi và đồng nghiệp đã triển khai nhiều đề tài, chương trình phục vụ cho phát triển những vùng lâm đặc sản và dược liệu quý của địa phương. Hiện tại giống tốt của chúng tôi lai tạo và nhân giống được công nhận và đã có mặt trên 25 tỉnh/thành trong cả nước" - PGS.TS Thu Hà cho biết.

Quá trình học tập của PGS.TS Trần Thị Thu Hà

1988-1993: Học đại học và tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 3 (nay gọi là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).

1999-2001: Học và tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Nông nghiệp Na Uy (nay là Đại học khoa học sự sống Na Uy).

2004-2007: Nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc (Australia National University). Bảo vệ Luận án tiến sỹ năm 2007.

Hơn 30 năm qua, từ khi bước vào trường đại học cho đến nay, việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo luôn là niềm đam mê với PGS.TS Thu Hà. Là học sinh giỏi xuất sắc qua tất cả các bậc từ phổ thông, trung học, đại học và sau đại học, chị luôn nuôi trong mình ước mơ được làm khoa học và luôn tìm cho mình một cách đi riêng mang tính sáng tạo có khả năng ứng dụng được trong thực tiễn. Chị vui vẻ cho biết, chị đã làm được điều đó, biến ước mơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường của mình thành hiện thực.

Mất ăn mất ngủ vì áp lực

Chị Hà kể về chặng đường nghiên cứu đầy khó khăn không phải ai cũng nhìn thấy được, đó là chuyến đi rừng dài ngày, những con mưa rừng và vắt cắn, muỗi cắn, sợ rắn cắn, ngã xe, đói khát, rét mướt…

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 4.

Muốn truyền được cảm hứng cho sinh viện, học viên, nghiên cứu sinh hay đồng nghiệp thì trước tiên bản thân mình phải là một người "4 thực" (làm thực, nói thực, hiểu biết thực và tâm huyết thực)

Trong nghiên cứu, khi thu được mẫu vật mang về làm thí nghiệm vì không phù hợp với điều kiện sinh thái ở vùng thấp nên mẫu vật bị chết và thực hiện nhiều lần vô cùng khó khăn. Có những nghiên cứu phải thực hiện đến lần thứ 11 mới thành công ở phòng thí nghiệm. Kết quả ở phòng thí nghiệm lại chuyển lại nơi có điều kiện sinh thái phù hợp và phải mất nhiều năm tháng ở trong rừng để theo dõi các kết quả nghiên cứu. "Giờ đây chúng tôi đang trăn trở các nghiên cứu tiếp theo đó là vấn đề thu hoạch và chế biến các sản phẩm thô trở thành những sản phẩm tinh nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ cho người dân vùng cao", chị chia sẻ.

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 4.

Đề tài nghiên cứu hóc búa nhất khiến chị Hà và đồng nghiệp "mất ăn mất ngủ" trong nhiều tháng, đó là việc nhân giống cây Thông đất (có chứa hoạt chất Hupper A chữa bệnh teo não) bằng nuôi cấy mô tế bào. Bên cạnh đó, đề tài này còn căng thẳng vì áp lực thời gian dự án FISRT của Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới yêu cầu phải đảm bảo đúng tiến độ quy định. "Trong nghiên cứu, thời gian đề tài càng ngắn hạn thì áp lực càng lớn khi thực hiện", chị nói.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là thành viên của Hiệp hội giống cây trồng quốc gia và quốc tế; từng có 15 năm làm việc với Trung tâm giống cây rừng của Tổ chức Csiro (Úc). Trong thời gian đó, chị dành rất nhiều tâm sức vào việc khảo nghiệm các giống: Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lưỡi liềm, Bạch đàn, Thông... được tiến hành ở miền núi phía Bắc và vùng cao phục vụ cho trồng rừng và hoàn trả các vùng khai thác quặng; cho ra đời những cây giống chất lượng cao phục vụ công tác trồng rừng ở Việt Nam.

Ngoài việc nghiên cứu, chị Hà cũng tham gia giảng dạy và hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ… Trong đào tạo, chị cũng có cách suy nghĩ riêng: "Muốn truyền được cảm hứng cho sinh viện, học viên, nghiên cứu sinh hay đồng nghiệp thì trước tiên bản thân mình phải là một người "4 thực" (làm thực, nói thực, hiểu biết thực và tâm huyết thực). "4 thực" này sẽ giúp bản thân tự tin để truyền đạt và thuyết phục sinh viên, học viên. Do vậy, người Thầy cũng phải tự thay đổi, không đơn thuần là người dạy từ sách vở, mà phải là người vừa có kiến thức lý thuyết và thực tiễn/khoa học ứng dụng/vận dụng/định hướng để đáp ứng được những cái đích của người học".

Vì sự phát triển phụ nữ

Trong những năm qua, PGS.TS Trần Thị Thu Hà có nhiều đóng góp vì sự phát triển phụ nữ, đặc biệt bồi dưỡng thành công cán bộ nữ dân tộc ít người trở thành lãnh đạo của các doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Hà Giang.

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 7.

Chị Thu Hà nhớ lại, đây đều là những người tốt nghiệp đại học các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, địa chính, cao đẳng y dược. Các bạn sau khi tốt nghiệp về không xin được việc, đi làm công nhân, hợp đồng hoặc ở nhà. Khi đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang rất tâm huyết tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc ít người đi học đại học, với mong muốn từ con người để xây dựng tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước không còn chỗ, các trung tâm nghiên cứu hoặc doanh nghiệp khoa học ở Hà Giang gần như là không có.

Chị Hà và đồng nghiệp đã giúp tỉnh Hà Giang thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên từ năm 2016. Trên cơ sở đó thu hút các cán bộ con em đồng bào dân tộc thiểu số hà Giang để ươm tạo khởi nghiệp. Từ 2016 đến nay đã đào tạo lại gần 100 các bạn có trình độ từ trung cấp trở lên làm việc ở phòng lab nuôi cấy mô tế bào, các vườn ươm công nghệ cao,… nhiều bạn sau khi làm việc ở đây đã chuyển ra lập nghiệp. Có bạn trở thành chuyên gia trồng hoa hồng để tách chiết tinh dầu, có bạn trở thành chủ nhiệm hợp tác xã trồng dược liệu và sản xuất mật ong,...

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 8.

Trong những năm qua, PGS.TS Trần Thị Thu Hà (trái) có nhiều đóng góp vì sự phát triển phụ nữ

"Hiện có 4 cán bộ nữ dân tộc thiểu số đang nắm vị trí chủ chốt lãnh đạo toàn bộ doanh nghiệp khoa học này dưới sự chuyển giao khoa học công nghệ và hướng dẫn của tôi và đồng nghiệp. Đây là nơi đào tạo lại các nguồn lực quan trọng có kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 cho tỉnh Hà Giang", chị cho biết.

"Tốt nhất là không ngăn cản"

Phụ nữ làm công tác nghiên cứu thường vất vả, khó khăn hơn nam giới rất nhiều. Chị Thu Hà tâm sự, khi con còn nhỏ, không có ông bà nội ngoại ở cạnh, nhưng chị có một người chồng hiểu, thông cảm và ủng hộ niềm đam mê học tập, nghiên cứu của vợ. "Có lẽ bởi ông xã biết tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu nên có lần anh đã bảo "tốt nhất là không ngăn, bởi ngăn cũng không thể được". Khi con gái đầu được 20 tháng tuổi đã phải xa con 4 năm đi nghiên cứu sinh ở Úc. Và con trai được 20 tháng tuổi lại một lần nữa ông xã chăm con để tôi đi bồi dưỡng chuyên môn ở Mỹ".

Hiện tại, con gái đầu của chị Thu Hà đang học tại ĐH Quốc gia Úc, con trai đang học lớp 4. "Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông xã tôi và 2 con của tôi đã luôn chia sẻ, thông cảm. Các con rất ngoan và trưởng thành mặc dù mẹ không dành nhiều thời gian chăm sóc các con. Thời gian con còn nhỏ thì mẹ thường tranh thủ làm việc vào ban đêm khi con ngủ. Khi con lớn, tôi lại phải ở hiện trường hoặc phòng thí nghiệm đến 20-22 giờ đêm mới về đến nhà", chị Hà rưng rưng khi chia sẻ.

Chưa bao giờ hối hận vì đã chọn lĩnh vực đầy vất vả và cá tính - Ảnh 5.

Sinh ra lớn lên trong một gia đình có bố là quân nhân, mẹ là công nhân. PGS.TS Thu Hà có 7 chị em gái. "Có lẽ vì thế bố tôi mong tôi mạnh mẽ. Tôi đã chọn một lĩnh vực đầy vất vả và cá tính. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hối hận với sự lựa chọn này!", chị bộc bạch.

Trong suốt thời gian công tác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam như: Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp; nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu; ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa; nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững…

-----

Bài: Bảo Nguyên

Ảnh: NVCC