Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đại học Thái Nguyên: Hướng tới mục tiêu xây dựng đại học điện tử

Đăng ngày: 26-02-2020 | 1227 lần đọc
|

Thực hiện Đề án xây dựng đại học điện tử, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã và đang tạo được môi trường làm việc, học tập liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Qua đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở các đơn vị thành viên.

26-2-2020-ĐHĐT-1.jpg

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông với sản phẩm phần mềm ứng dụng tự nghiên cứu

Trong số những đơn vị trực thuộc của ĐHTN, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông luôn tiên phong thực hiện Đề án xây dựng Đại học điện tử. TS Nguyễn Văn Tảo, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: Trước khi có đề án của ĐHTN, trong nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ nhà trường, chúng tôi đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành đại học điện tử. Trong đó, nội dung trọng tâm là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, nhà trường đã từng bước nâng cấp trang thiết bị và phần mềm lõi để giúp hệ thống quản lý, phần mềm ứng dụng có thể liên thông được với nhau; 100% không gian trong khuôn viên nhà trường được phủ sóng wifi. Theo đánh giá, cơ bản cán bộ, giảng viên và sinh viên đã có thể tương tác dễ dàng trên hệ thống như: Tra cứu lịch học, điểm thi, đăng ký môn, nộp các loại học phí; cán bộ giảng viên triển khai kế hoạch, loại hình bài giảng; ứng dụng rộng rãi các phần mềm quản lý đào tạo theo chứng chỉ, thi trắc nghiệm, hoạt động hợp tác quốc tế…

Đối với Trường Đại học Sư phạm, việc cụ thể hóa Đề án xây dựng đại học điện tử được tập trung vào việc xây dựng và tổ chức dạy học trực tuyến E-learning. T.S Ngô Giang Nam, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Nhà trường thông tin: Từ năm 2017 tới nay, Trường Đại học Sư phạm thực hiện được 14 bài giảng trực tuyến; 131 học phần với 177 lớp theo hình thức trực tuyến kết hợp với dạy học truyền thống. Sau một thời gian áp dụng có thể đánh giá hiệu quả tốt, tiện ích cho các giảng viên và sinh viên.

26-2-2020-ĐHĐT-2.jpg

Đề án xây dựng đại học điện tử được Trường Đại học Sư phạm tập trung vào việc xây dựng và tổ chức dạy học trực tuyến E-learning

Bắt đầu thực hiện Đề án đại học điện tử từ năm 2016, ĐHTN là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và quản trị đại học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung và hệ thống phần mềm tích hợp của toàn đại học đảm bảo liên thông, đồng bộ. Nhằm phục vụ đào tạo trực tuyến, bên cạnh nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, trực tiếp từ các Bộ, ngành thì ĐHTN cũng chủ động xây dựng và triển khai nhiều dự án về cơ sở vật chất, như: Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hình thức E-learning tại ĐHTN; đầu tư trang thiết bị, nâng cấp một số giảng đường của Khoa Quốc tế phục vụ đào tạo trực tuyến; hệ thống máy chủ, phòng studio hiện đại để xây dựng bài giảng…

Đánh giá vai trò của Đề án xây dựng đại học điện tử, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN cho rằng: Đây là nội dung hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục - đào tạo trong xu thế hội nhập và phù hợp với chiến lược phát triển chung của ĐHTN. Sau gần 3 năm thực hiện, có thể thấy đề án đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc xây dựng học liệu điện tử; tổ chức khảo thí, kiểm định, đánh giá trực tuyến đối với người học và giảng viên; tin học hóa công tác quản lý, điều hành; từng bước nâng cấp cổng thông tin điện tử của toàn đại học nhằm cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và xã hội. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì tiến độ thực hiện đề án so với kế hoạch vẫn còn chậm. Đặc biệt, kết quả triển khai phương thức đào tạo trực tuyến đạt kết quả thấp.

26-2-2020-ĐHĐT-3.JPG

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp các sinh viên của Đại học Thái Nguyên chủ động hơn trong học tập và có nhiều điều kiện tham gia nghiên cứu các đề tài ứng dụng hiệu quả. (Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm tại Triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ và đào tạo tháng 2-2019)

Quyết tâm và ưu tiên đầu tư các nguồn lực để thực hiện Đề án xây dựng đại học điện tử cũng là tinh thần chung của ĐHTN. GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết: Trong thời gian sớm nhất, ĐHTN sẽ tổ chức đánh giá cụ thể những kết quả đạt được và hạn chế, từ đó tiếp tục hoàn thiện và xây dựng ĐHTN trở thành đại học điện tử theo mô hình phù hợp nhất. Về định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, quản trị đại học, giúp nâng tầm vị thế của ĐHTN trong nước và khu vực.             

 Đề án xây dựng đại học điện tử của ĐHTN đặt mục tiêu đến năm 2020 có: 80% giáo trình được số hóa, 30% bài giảng theo hình thức E-learning, có đầy đủ phần mềm quản lý và hỗ trợ cho việc triển khai đào tạo trực tuyến. Tin học hóa một cách hiệu quả mọi công tác quản lý, điều hành của ĐHTN và các đơn vị thành viên. Cổng thông tin điện tử của cả Đại học có thể cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực và luôn nằm trong nhóm 10 trường đại học Việt Nam theo xếp hạng của Webomatrics...

 Trần Nhung