Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đại học Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu

Đăng ngày: 25-06-2019 | 1654 lần đọc
|

Sáng mai (25/6), các thí sinh trong cả nước sẽ bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 để lấy điểm xét tốt nghiệp và đầu vào cho các trường cao đẳng, đại học, trong đó có các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN).

Quy mô, những điểm mới trong việc xét tuyển? Ngành nghề mới ra sao? Hình thức đào tạo và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường?... là những băn khoăn mà nhiều người quan tâm khi nộp hồ sơ vào các trường thành viên ĐHTN. Đây cũng là nội dung chính mà phóng viên (P.V) Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN (đứng thứ 2 ảnh từ phải qua) cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An kiểm tra thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019

P.V: Trước hết, ông có thể thông tin cho độc giả biết về quy mô, các ngành nghề đào tạo chính mà ĐHTN sẽ tuyển sinh năm nay?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Hiện nay, ĐHTN đang triển khai đào tạo 141 ngành trình độ đại học, 60 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành trình độ tiến sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, 34 ngành trình độ cao đẳng (9 ngành bổ sung từ Cao đẳng sư phạm Lào Cai cũ). 09 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Anh, Hà Lan (2 chương trình của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp; 2 chương trình của trường Đại học Nông Lâm và 5 chương trình của Khoa Quốc tế); 04 chương trình đào tạo chất lượng cao (3 chương trình của trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 01 chương trình của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông). Ngoài ra, còn có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài. Các ngành đào tạo của ĐHTN bao trùm hầu hết các lĩnh vực đào tạo như: Khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý, luật và báo chí,  nông- lâm-sinh và y dược…

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ĐHTN là 10.550 chỉ tiêu trình độ đại học (tăng 60 chỉ tiêu so với năm 2018); 1.620 chỉ tiêu trình độ cao đẳng (tăng 300 so với năm 2018). Số ngành tuyển sinh là 122 ngành trình độ đại học, 33 ngành trình độ cao đẳng. Để điều chỉnh ngành đào tạo theo yêu cầu xã hội, ĐHTN tạm dừng tuyển sinh 19 ngành đại học, 01 ngành cao đẳng (do nhu cầu xã hội giảm), mở mới 5 ngành (Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh nông nghiệp, Kinh doanh quốc tế, Kỹ thuật thực phẩm, Quản lý thông tin). Việc mở ngành đào tạo mới hoàn toàn đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và trên cơ sở khảo sát chính nhu cầu xã hội của các cơ quan, xí nghiệp các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Các chương trình đào tạo của ĐHTN có tính liên thông ngang giữa các trường đại học thành viên. Sinh viên cơ hội để học 2 chương trình song hành. Ví dụ sinh viên ngành công nghệ thông tin có thể học chương trình 2 là ngôn ngữ Anh hoặc ngành kế toán, kinh tế; sinh viên các ngành của Trường Đại học Nông lâm có thể học thêm các ngành của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh và các ngành của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp là một trong các trường, khoa của ĐHTN đang đào tạo 2 chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Anh, Hà Lan

P.V: Việc xét tuyển đầu vào của các khoa, trường thành viên của ĐHTN năm nay có gì mới không, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Cũng như năm 2018, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2019 của ĐHTN thực hiện theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển dựa vào kết quả học tập trong học bạ THPT và xét tuyển kết hợp với thi tuyển.

Một số điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2019:

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, ĐHTN là đầu mối duy nhất trao đổi thông tin với Bộ Giáo dục - Đào tạo trong công tác tuyển sinh, phụ trách công tác xét tuyển của toàn đại học (những năm trước, mỗi trường đại học thành viên đều có riêng 1 cổng thông tin phục vụ công tác xét tuyển và báo cáo kết quả xét tuyển với ĐHTN).

Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai tuyển sinh có thêm 9 ngành cao đẳng bổ sung từ Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai cũ sau khi sáp nhập vào ĐHTN. Ngoài ra, ĐHTN còn mở mới 5 ngành đào tạo đại học đã nói ở trên.

Ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên như những năm trước, năm 2019, Bộ Giáo dục - Đào tạo bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sức khỏe (Y dược).

Ngoài ra, các trường còn có học bổng khuyến khích cho sinh viên thủ khoa, có chỗ ở nội chú cho sinh viên năm đầu…

P.V: Điều mà thí sinh và gia đình rất quan tâm là nội dung và các giải pháp của ĐHTN để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập, trong những năm qua ĐHTN đã thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (hiện đội ngũ giảng viên có 154 giáo sư, phó giáo sư; 712 tiến sĩ, hơn 2.181 thạc sĩ); phát triển và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và khu vực; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu của đào tạo tín chỉ và yêu cầu của giáo dục đại học ngày nay; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; tăng cường mô hình đào tạo liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp… Đến nay, 7 trường thành viên của ĐHTN đều đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo; 7 chương trình đào tạo của Trường Đại học Sư phạm được đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Năm 2019, một số ngành của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Khoa Quốc tế đã áp dụng quy chế đặc thù theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo (có khoảng 30% số tín chỉ trong chương trình đào tạo được đào tạo tại doanh nghiệp).

Tháng 4-2019, ĐHTN đã tổ chức Hội thảo “Phát triển chương trình đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm mục tiêu xây dựng được các ngành học trọng điểm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Đến năm 2021 các chương trình này phải được kiểm định bởi tổ chức kiểm định Quốc tế như AUN-QA.

Trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế xuất ra nhiều sản phẩm tại Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp – IFRAD (ĐHTN) đã giúp cho sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên có nhiều cơ hội tìm việc làm khi tốt nghiệp ra trường

P.V: Còn cơ hội việc làm khi ra trường hoặc khi sinh viên có nhu cầu tiếp tục học cao hơn khi ra trường thì thế nào, thưa ông?.

GS.TS Phạm Hồng Quang: Để phục vụ công tác tuyển sinh, đào tạo, hằng năm ĐHTN đều khảo sát tình hình có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp một năm. Thống kê cho thấy: Tốt nghiệp 2016 là 84% sinh viên có việc làm/số sinh viên phản hồi; tốt nghiệp năm 2017 là 85,5%. Nhiều ngành sinh viên ra trường có việc làm ngay, thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường lao động (các ngành học y dược, ngôn ngữ nước ngoài, kỹ thuật công nghệ, kinh tế và quản lý, giáo dục tiểu học,…). Như vậy, sinh viên được đào tạo tại ĐHTN có cơ hội việc làm rất cao.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp tại ĐHTN có nhu cầu học tiếp ở trình độ cao học hoặc tiến sĩ có thể học tại ĐHTN. Như trên đã nói, hiện nay ĐHTN có 60 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành trình độ tiến sĩ. Sinh viên cũng có cơ hội được giới thiệu học chuyển tiếp tại các trường đại học nước ngoài là đối tác hợp tác của ĐHTN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thainguyen.gov.vn

Trần Nhung