Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đại học Thái Nguyên tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giáo dục

Đăng ngày: 26-04-2021 | 1129 lần đọc
|

Sáng 9/4, Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục”. Tại Hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, bàn bạc nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong xu thế giáo dục hiện đại.

26-4-2021-CĐS-1.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Danh Nam – Phó trưởng ban Phụ trách Ban Đào tạo, GS.TS Nguyễn Duy Hoan – Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ Thông tin Đại học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo các Trung tâm Công nghệ Thông tin – Thư viện của các Trường Đại học, Cao đẳng, Phân hiệu, Khoa trực thuộc Đại học. Hội thảo có sự tham dự của một số chuyên gia, kỹ sư đến từ các công ty công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 749/QĐ-TTg  phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với ưu tiên chuyển đổi số về y tế, giáo dục. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã quyết định lấy ngày 31/12 hàng năm là ngày Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. Đại học Thái Nguyên cũng đã ban hành nghị quyết số 07-NQ/ĐU ngày 04/4/2021 về chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chủ trương, chính sách của nhà nước về chuyển đổi số trong giáo dục, tìm hiểu thực trạng chuyển đổi số trong ĐHTN, từ đó đề ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới tại Đại học Thái Nguyên. Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia, các kỹ sư đến từ các đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về một số khía cạnh của chuyển đổi số trong giáo dục như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng phòng họp không giấy và phần mềm quản trị đại học.

Tại Đại học Thái Nguyên, chuyển đổi số sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến trong công tác chuyển đổi số nhằm sớm đưa Đại học Thái Nguyên thành một Đại học số với các trụ cột, đó là thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành của Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên dựa trên nền tảng số; Từng bước chuyển đổi mô hình đào tạo, nghiên cứu khoa học truyền thống sang mô hình dựa trên nền tảng số nhằm tiếp cận các mô hình tiên tiến trên thế giới; Chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của Đại học và các đơn vị trực thuộc nhằm tạo ra môi trường số thân thiện, an toàn và hiệu quả. 

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Nguyễn Duy Hoan, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) nhấn mạnh: “Chuyển đổi số bao gồm các vấn đề như ban hành các quy định, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và học liệu phục vụ việc quản trị và đào tạo trên nền tảng số, thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành dựa trên nền tảng số, hình thành môi trường số trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn cán bộ, giảng viên và sinh viên về công cụ, kỹ thuật giảng dạy, học tập trên nền tảng số…”

26-4-2021-CĐS-2.JPG

GS.TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc Trung tâm Học liệu và CNTT phát biểu tại Hội thảo

Trung tâm Học liệu và Công nghệ Thông tin của Đại học Thái Nguyên được đánh giá là một trong số các trung tâm Học liệu hiện đại của cả nước. Hiện nay,  Đại học Thái Nguyên có nguồn tài nguyên số khoảng 100.000 tài liệu số, 42 bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành, 5000.000 trang tài liệu số hóa, với 100% cán bộ, giảng viên kết nối Internet và tài nguyên số, 100% giảng đường, ký túc phủ Internet, 100% dịch vụ public qua Internet, LMS/LCMS khả năng phục vụ hàng vạn sinh viên học tập, cơ sở vật chất Thư viện điện tử top 5 Việt Nam.

Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã trình bày, thảo luận về các chủ trương, chính sách quốc gia về chuyển đổi số; thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong Đại học Thái Nguyên; một số giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, phòng họp không giấy, phần mềm quản trị đại học...

Đây có thể coi là một hoạt động thiết thực, làm cơ sở để Đại học Thái Nguyên có thể triển khai nhiều nội dung về chuyển đổi số, hướng tới trở thành Đại học số trong thời gian sớm, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả giáo dục./.

Thanh Loan – TNU Media