Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Dạy và học trong bối cảnh Covid – 19: Cơ hội và thách thức

Đăng ngày: 03-04-2022 | 1684 lần đọc
|

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học được Công đoàn Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức ngày 03/4 tại Trung tâm Hội nghị ĐHTN, hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 28 năm ngày thành lập ĐHTN (04/4/1994-04/4/2022). Tham dự trực tuyến Hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng; tham gia trực tiếp tại Hội thảo có đồng chí Hoàng Thu Hằng  - Phó Chủ tịch Thường trực, đồng chí nguyễn Tấn Sơn, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban chính sách-Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên.

anh 4.jpg Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐHTN; PGS.TS Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn ĐHTN; PGS.TS Trần Thanh Vân – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Giám đốc phụ trách ĐHTN; PGS.TS Nguyễn Hữu Công- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHTN; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị trực thuộc. Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Công đoàn ĐHTN, Công đoàn các cơ sở trực thuộc và các nhà khoa học, thầy cô giảng viên, công đoàn viên của Đại học dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị và các đầu cầu trực tuyến tại các đơn vị.

Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận công nghệ 4.0; đáp ứng yêu cầu về dạy học và học trong điều kiện bình thường mới tại Đại học Thái Nguyên. Hội thảo chia sẻ các nội dung về công tác dạy và học trực trong bối cảnh Covid – 19 như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; Dạy học kết hợp (Blended Learning); Đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo trực tuyến; Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến; Vấn đề quản lý dạy và học trong đào tạo trực tuyến; Vấn đề khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở hỗ trợ dạy và học…

anh 2.jpg

GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐHTN phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu những khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức đào tạo truyền thống sang trực tuyến như: Đối với sinh viên thiếu phương tiện học tập, thiết bị kết nối, hoặc những vấn đề về đường truyền được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên trong học tập trực tuyến. Cùng với đó, những yếu tố tâm lý như “khó tập trung”, “thiếu động lực” cũng là một trong những rào cản mà sinh viên gặp phải khi học trực tuyến. Không chỉ sinh viên, ngay cả giảng viên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến như: Khả năng ứng dụng công nghệ  thông tin vào dạy học còn hạn chế; việc sử dụng các phần mềm dạy học chưa thông thạo dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của sinh viên trong giờ giảng cũng như sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên còn có mặt hạn chế.

4-4-2022-HTCD-1.jpg

Hội thảo khoa học "Dạy và học trong bối cảnh Covid 19: Cơ hội và thách thức"

Theo khảo sát có khoảng 80% số người học phải đối mặt với những khó khăn về đường truyền internet, 65% người học không hài lòng với việc học trực tuyến, 85% người học phàn nàn về vấn đề thị lực khi tham gia học trực tuyến trên các thiết bị và 50% sinh viên không rõ ràng về kế hoạch học tập của bản thân.

Về ưu điểm, theo sinh viên học trực tuyến sẽ giảm việc đi lại, giảm nguy cơ gây lây nhiễm  dịch bệnh, có thể học ở bất cứ đâu. Đa số sinh viên hài lòng về phương pháp học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh; cung cấp đầy đủ giáo trình, bài giảng; được kiểm tra đánh giá mức độ hiểu bài hàng tuần, được hỗ trợ giải đáp thắc mắc trực tiếp trong giờ học và ngoài giờ học thông qua diễn đàn mạng xã hội, email. Bên cạnh đó, cũng theo khảo sát thì việc học trực tuyến cũng giúp tăng khả năng lưu trữ thông tin, tiết kiệm thời gian.

4-4-2022-HTCD-2.jpg

 TS. Nguyễn Thị Thanh Nga –Công đoàn Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tham luận với chủ đề “Một số tồn tại của việc học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID – 19” tại Hội thảo

Ngoài đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến trong bối cảnh Covid – 19, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác đào tạo trực tuyến như: “Xây dựng học liệu điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến” của Thạc sĩ Đỗ Văn Hải – Phân hiệu  ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, “Ứng dụng dạy học kết hợp trong trường kỹ thuật thời kỳ đại dịch” của Tiến sĩ Trần Anh Thắng – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; “ Đánh giá thái độ học tập của học sinh qua hình thức trực tuyến ở trường THPT tỉnh Thái Nguyên” của Th.s Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Sư phạm; “Nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Khoa học trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19” của Tiến sĩ Trần Thị Hồng – Trường Đại học Khoa học; “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp mở rộng môi trường học tập có ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện bình thường mới tại Trường Ngoại ngữ” của Th.s Nguyễn Ngọc Hường – Trường Ngoại ngữ…

Hội thảo đã thu hút đông đảo các thầy cô giáo, công đoàn viên tham gia, phản ánh tinh thần tránh nhiệm, hăng say với sự nghiệp giáo dục của công đoàn trong toàn đại học. Nhiều bài viết có sự tham khảo lý luận và khảo sát thực tiễn mang ý nghĩa lý luận và sáng tạo, thực tiễn. Nhiều công cụ hỗ trợ dạy-học được khai thác có thể giới thiệu rộng rãi cho giáo viên, người học trực tiếp tiếp tục khai thác, sử dụng. Một số đề xuất mang tính vĩ mô liên quan đến chiến lược phát triển và mô hình công nghệ tổng thể cho toàn Đại học đã được trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo.

Thanh Loan - TNU Media