Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học

Đăng ngày: 22-07-2020 | 2061 lần đọc
|

Đó là chủ đề của Hội thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức ngày hôm nay (22/7) tại Trung tâm Học liệu và Công nghệ Thông tin (Đại học Thái Nguyên). Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và sự tham gia của trên 200 nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHTN; GS.TS Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) và GS.TS Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng chủ trì Hội thảo.

22-7-2020-GPKH-1.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHTN đã thông tin nhanh tới các đại biểu về ĐHTN, tiềm năng, thế mạnh của đại học vùng – một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, nông lâm ngư nghiệp, y – dược, kinh tế, kỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, ngoại ngữ. ĐHTN có vai trò thiết lập, chuyển giao các sản phẩm và các giải pháp khoa học công nghệ cũng như tư vấn chính sách nhằm đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

5 năm qua, ĐHTN đã thực hiện 56 chương trình, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ; 408 đề tài cấp Đại học, cấp Bộ; 8.695 bài báo khoa học, trong đó có 7.170 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước, 1.525 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, 775 bài báo được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus, 22 sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả và nhiều chuyển giao thành công đến các tỉnh. ĐHTN đứng trong nhóm 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Theo bảng xếp hạng chỉ số nghiên cứu năm 2019, ĐHTN xếp thứ 9/35. Theo xếp hạng về chỉ số nghiên cứu nội lực của các cơ sở giáo dục đại học ĐHTN xếp hạng 3/35.

22-7-2020-GPKH-2.JPG

GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHTN phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Với quy mô gần 60.000 sinh viên, trong đó có 4.000 cao học và nghiên cứu sinh, hơn 1.000 sinh viên quốc tế, ĐHTN đã và đang đào tạo có chất lượng nguồn nhân lực cho vùng và đất nước, chuyển giao khoa học công nghệ thành công; tư vấn chính sách có hiệu quả và góp phần tăng trưởng kinh tế của vùng và đất nước…

Hội thảo bao gồm 03 nội dung chính: Đánh giá thực trạng công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; Thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; Trao đổi, góp ý dự thảo Nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Tạ Ngọc Đôn báo cáo khái quát hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Hiện nay, Việt Nam có 235 CSGDĐH, trong đó có 170 CSGDĐH công lập và 65 CSGDĐH tư thục, ngoài ra còn có 41 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo tiến sĩ. Tổng số giảng viên tại CSGDĐH hiện có 74.991 người, 729 giáo sư, 4.538 phó giáo sư và 20.197 tiến sĩ. Nhân lực R&D của cả nước tập trung nhiều ở khu vực trường đại học, chiếm 51,2%. Trong đó, nhân lực từ tiến sĩ trở lên trong trường đại học chiếm 66,9% cả nước.

22-7-2020-GPKH-3.JPG

GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHTN; GS.TS Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) và GS.TS Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng chủ trì Hội thảo điều hành Hội thảo

Các chính sách về khoa học công nghệ trong CSGDĐH hiện nay khá đầy đủ nhưng còn nhiều bất cập, chưa đi vào thực tiễn. Việc triển khai hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, các khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai hoạt động khoa học và công nghệ, đưa ra những kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các bất cập nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và góp phần xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 03 báo cáo tham luận có giá trị, bao gồm: “Mô hình doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học, thực trạng triển khai Nghị định về doanh nghiệp KH&CN: Khó khăn, giải pháp, kiến nghị” của GS.TS Tạ Hải Tùng – Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, “Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học ở Việt Nam: Thuận lợi, khó khăn, giải pháp và kiến nghị” của GS.TS Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội và “Kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ KH&CN gắn với thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu” của PGS.TS Trần Thị Thu Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp – Trường ĐH Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) (ảnh dưới).

22-7-2020-GPKH-4.JPG

PGS.TS Trần Thị Thu Hà trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiếp đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong CSGDĐH với các vấn đề như: Về vai trò của phòng/ban khoa học và công nghệ, nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, hoạt động sở hữu trí tuệ, công bố quốc tế, đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, thu hút chuyên gia nước ngoài, triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp, Quỹ phát triển KH&CN trong các CSGDĐH. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng giành thời gian trao đổi về doanh nghiệp KH&CN, tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và hợp tác trường đại học – doanh nghiệp; Về đầu tư phát tiển KH&CN, xây dựng hệ thống trích dẫn Việt Nam, xếp hạng đại học và vấn đề đại học định hướng nghiên cứu ở Việt Nam, về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu…

22-7-2020-GPKH-5.JPG

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Đôn đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và trao đổi của các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Các ý kiến được Tổ thư ký của Hội thảo tổng hợp và sẽ là những căn cứ quan trọng giúp Ban soạn thảo, Ban Biên tập xây dựng Nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học trước khi trình Chính phủ phê duyệt và ban hành./.

Thanh Loan – TNU Media