Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới trong đào tạo giáo viên” chủ đề “I AM STEM 2019”

Đăng ngày: 30-09-2019 | 1556 lần đọc
|

Ngày 28/9, tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới trong đào tạo giáo viên” với chủ đề “I AM STEM 2019”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, báo cáo viên trong và ngoài nước đến từ Thái Lan, Lào, Indonesia, Australia, Philippines, Ireland, New Zealand và cán bộ quản lý, giáo viên của một số tỉnh trong cả nước.

30-9-2019-GD-1.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Mai Xuân Trường - Hiệu trường nhà trường khẳng định: Việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Nhờ đó, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo đã góp phần khẳng định rõ hơn vai trò của giáo dục STEM đối với đào tạo giáo viên ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Hội thảo đã nhận được 150 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có hơn 60 báo cáo của các tác giả đến từ Thái Lan, Lào, Indonesia, Australia, Philippines, Ireland, New Zealand … Gần 30 báo cáo được trình bày tại 4 phiên của Hội thảo đã xoay quanh một số nội dung: Phát triển giáo dục STEM trong bối cảnh cuộc các mạng công nghiệp 4.0; Khung năng lực nghề nghiệp giáo viên và giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục STEM; Đổi mới mô hình đào tạo giáo viên STEM đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo giáo viên STEM; Giáo dục STEM ở các nước đang phát triển; Đào tạo, bồi dường giáo viên STEM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; Giáo dục STEM ở vùng khó khăn, vùng núi, dân tộc thiểu số…

Các báo cáo đã phân tích thực trạng giáo dục STEM ở Việt Nam, nêu ra những khó khăn và giải pháp triển khai. Một số báo cáo đã nêu cụ thể thực tiễn việc áp dụng STEM ở các tỉnh như: Nam Định, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bến Tre, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn…Nhiều báo cáo khoa học đã nêu lên cách tiếp cận giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Việt Nam. 

30-9-2019-GD-2.jpg

Các đại biểu tham quan mô hình thiết bị dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới do Trường Đại học Sư phạm chế tạo.

STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói, giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Giáo dục STEM tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và có thể tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa./.

Thanh Loan – TNU Media