Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Nguyễn Ngọc Quỳnh – nữ sinh Khoa Quốc tế giành Giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka – 2019

Đăng ngày: 20-12-2019 | 1483 lần đọc
|

Lễ khai mạc vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka được tổ chức sáng ngày 21/11 tại trường Đai học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã thu hút gần 500 các bạn sinh viên tham dự. Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

20-12-2019-SVKQT-1.jpg

Các đề tài được vinh danh tại Lễ trao giải cuộc thi

Đây cũng năm đầu tiên Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên tham gia tranh tài ở sân chơi Euréka với đề tài “Tác động của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tới xuất khẩu của Việt Nam: vai trò của nước thứ ba, Nguyễn Ngọc Quỳnh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế, với sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Khánh Doanh đã xuất sắc đạt giải Khuyến khích ở lĩnh vực kinh tế.

Theo như tổng quan các tài liệu nghiên cứu trước đây, tất cả các nhà nghiên cứu chỉ tập trung mô hình hai quốc gia (bao gồm: nước phát minh (nước xuất khẩu) và nước nhập khẩu). Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của “mô hình tuyền thống hai quốc gia” này là chưa phản ánh một cách toàn diện thực tiễn thương mại quốc tế. Đề tài đã chỉ ra rằng sự xuất hiện của “nước thứ ba” có tác động hạn chế “hiệu ứng quyền lực thị trường” và kích thích “hiệu ứng mở rộng thị trường”. Với mong muốn mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực thương mại quốc tế, tác giả đã đề xuất hai giải pháp đó là: Việt Nam nên tận dụng công nghệ cao, tri thức trong sản xuất để tạo ra sự khác biệt lớn, chứa đựng tính độc đáo vượt trội và Việt Nam nên đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm sao cho nhanh hơn tốc độ sao chép, bắt chước của “nước thứ ba”. 

20-12-2019-SVKQT-2.jpg

Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh tại Vòng chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019 (bên phải)

Để đến với Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, đề tài của Quỳnh nói riêng và các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên nói chung phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp Khoa, được hội đồng khoa học Khoa đánh giá cao trước khi đăng ký tham gia vòng bán kết Giải thưởng tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, cuộc thi đã thu hút 100 trường đại  học, cao đẳng, Học viện đến từ 19 tỉnh, thành trong cả nước với 858 đề tài của 2069 sinh viên, với 228 nhà khoa học/chuyên gia đánh giá đề tài.

Ở vòng bán kết, đề tài lại tiếp tục xuất sắc vượt qua hơn 300 đề tài lĩnh vực Kinh tế để được chọn vào 1/26 đề tài vào vòng chung kết. Ở vòng chung kết, thí sinh sẽ thuyết trình kết quả nghiên cứu trước Hội đồng giám khảo gồm 05 thầy/cô và trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng trong 13 phòng hội đồng chia theo các lĩnh vực: Xã hội và Nhân văn, Giáo dục, Kinh tế, Dược, Công nghệ Sinh - Y sinh, Công nghệ Thực phẩm, Hành chính- Pháp lý… (riêng lĩnh vực Kinh tế có 2 phòng hội đồng).

 “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn

Đó là câu nói Quỳnh tâm đắc nhất và luôn cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trước mắt để tìm kiếm cho mình những cơ hội mở rộng tầm hiểu biết về ngành học, để tích lũy kiến thức phát triển bản thân trên chặng đường sắp tới. Quỳnh chia sẻ: “Dù còn nhiều trở ngại và khó khăn để theo đuổi ước mơ này, nhưng mình tin chắc rằng không chỉ có mình mà còn rất nhiều người bạn cùng trang lứa khác cũng luôn cháy bỏng trong mình nhiều ước mơ. Mình vừa động viên bản thân, vừa chúc cho các bạn trẻ khác ở Khoa Quốc tế sẽ đạt được mục tiêu, ước mơ mà chính các bạn đã đặt ra và quyết tâm thực hiện theo!”.

Phạm Thủy – Khoa Quốc tế