Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

[Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai] Phối hợp đưa Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân tỉnh thăm mô hình của các Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Đăng ngày: 05-06-2019 | 1113 lần đọc
|

Ngày 22 - ngày 23 tháng 5 năm 2019, Đoàn giám sát chuyên đề về công tác quản lý, triển khai thực hiện và hiệu quả ứng dụng các Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đoàn do ông Bùi Khắc Hiền - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, tham gia cùng đoàn có bà Phạm Thị Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Lào Cai, đại diện Sở Tài chính Lào Cai, chuyên viên các ban, phòng của HĐND tỉnh và các Sở ngành liên quan. Tham gia cùng đoàn giám sát, về phía đơn vị chủ trì thực hiện các đề tài KHCN là Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai tham gia có các đồng chí TS. Ngô Thanh Xuân, TS. Lê Thị Minh Thảo – lãnh đạo Khoa Nông Lâm và đồng chí ThS. Nguyễn Thị Tần - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN, đồng thời là các chủ nhiệm đề tài. Chương trình giám sát của đoàn công tác HĐND tỉnh tập trung giám sát kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu Khoa học – Công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn của tỉnh Lào Cai từ năm 2016 – 2018, trong đó có Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai.

 

TS. Ngô Thanh Xuân - giới thiệu mô hình trồng cây Tam Thất với đoàngiám sát

Từ năm 2016 – 2018, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được giao chủ trì 04 nhiệm vụ NCKH (01 đề tài năm 2016 - 2018; 02 đề tài và 01 dự án thử nghiệm năm 2017 - 2019). Các giảng viên tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, đều có trình độ từ sau đại học trở lên, được trang bị các kiến thức khoa học và đã từng làm quen hoặc trực tiếp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của Đại học Thái Nguyên. Do đó, các  giảng viên trẻ đều đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức cũng như phương pháp để thực hiện một công trình nghiên cứu một cách khoa học, bài bản nhất .

ThS. Nguyễn Thị Tần giới thiệu mô hình trồng dược liệu tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát

Trong số 04 đề tài/dự án do Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai chủ trì có 01 đề tài "Xây dựng mô hình trồng Tam thất tại huyện Si Ma Cai, Mường Khương” - do TS. Ngô Thanh Xuân đồng chủ nhiệm đã được nghiệm thu năm 2018, hiện đang chuyển giao ứng dụng cho địa phương huyện. Năm 2018 – 2019 huyện đã có kế hoạch mở rộng và phát triển trồng mới hơn 10 ha tại một số xã vùng cao của huyện và chủ nhiệm đề tài cũng đã chuyển giao, nhân rộng một số địa phương khác ngoài tỉnh Lào Cai, như tỉnh Cao Bằng, Lai Châu… Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng rau - hoa tại xã Quang Kim huyện Bát Xát" do TS. Lê Minh Thảo làm chủ nhiệm; 02 đề tài/dự án "Nghiên cứu phát triển một số loại cây dược liệu giá trị kinh tế cao…” và dự án “ Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Cát Sâm” tại xã Trịnh Tường huyện Bát Xát" do ThS. Nguyễn Thị Tần - Chủ nhiệm đề tài, các đề tài đang trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng mô hình trình diễn.

TS. Lê  Minh Thảo - giới thiệu mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Quang Kim, Bát xát

Đưa đoàn đi thăm các mô hình triển khai tại các địa phương Si Ma Cai, Bát Xát, các chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và hiệu quả ứng dụng của các đề tài. Kết quả, các chủ nhiệm đề tài/dự án đã thực hiện đúng nội dung, tiến độ theo thuyết minh đề tài/dự án được phê duyệt, các mô hình khảo nghiệm cây đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế và khả năng áp dụng. Các nghiên cứu được thực hiện ở các vùng rau, dược liệu đặc trưng của tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện đề tài đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại rau, hoa, dược liệu cho hơn 300 hộ nông dân tham gia mô hình thử nghiệm. Các kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho UBND các huyện và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nhìn chung, bước đầu các đề tài/dự án, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của trồng rau, dược liệu tại những xã vùng cao của tỉnh, ngoài việc hỗ trợ thúc đẩy người dân biết áp dụng kỹ thuật vào nhân giống, trồng trọt, chăm sóc sản xuất rau, dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa còn có tác dụng kích thích người dân quan tâm hơn đến việc phát triển trồng rau, dược liệu để cung cấp nguyên liệu sạch cho thị trường trong nước, từng bước chuyển đổi đất ruộng một vụ lúa sang trồng rau, dược liệu ... được cho là hiệu quả, bền vững, từ đó nâng cao thu nhập,  ổn định cuộc sống và việc làm cho người dân địa phương, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đồng thời gắn kết chặt chẽ mối liên kết 4 nhà “nhà nông-nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nước“.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh thăm mô hình trồng dược liệu.

Tin bài: Nguyễn Thị Tần & Ninh Anh Đại - Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai