Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam

Đăng ngày: 10-07-2021 | 801 lần đọc
|

Đó chính là nội dung chính của Hội thảo khoa học quốc gia do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) phối hợp với Văn phòng đề án 844 (ISEV), Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng nay, ngày 10/7/2021.

12-7-2021-HTKH-1.jpg

Hội thảo Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam (ảnh chụp qua màn hình)

Hội thảo được diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội theo hình thức online và offline với chế độ giãn cách, đảm bảo thực hiện phòng chống dịch và nhiều điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên cùng nhiều đại diện doanh nhân, nhà khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.

Tại Đại học Thái Nguyên có 02 điểm cầu trực tuyến tại trụ sở Văn phòng Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, với sự tham gia của đại diện Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo và cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ đoàn thanh niên của các trường đại học, cao đẳng, Khoa trực thuộc Đại học Thái Nguyên tham dự Hội thảo.

12-7-2021-HTKH-2.jpg

Hội thảo tại điểm cầu Đại học Thái Nguyên do PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên và TS. Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì

Hội thảo nhằm hướng tới 4 mục tiêu, đó là : Tạo diễn đàn để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 844 tại Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020; Đề xuất các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nâng cao năng lực nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên thế mạnh của Bộ, ngành, địa phương cho các cán bộ phụ trách, cán bộ nghiên cứu; Hình thành và kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu làm nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia.

 12-7-2021-HTKH-3.jpg

TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung bao gồm: (1) Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào các vấn đề về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo (kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam), về phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp các cấp Bộ, Ngành, TW và địa phương: thực trạng, cơ chế chính sách. (2) Về cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo: Tăng cường liên kết giữa Nhà nước với khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo Quốc gia và địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất giai đoạn 2021 - 2025. (3) Về phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo: Cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tham gia nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và vận dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại các Viện, cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương…; Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo: kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam./.

Thanh Loan – TNU Media