Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên

Đăng ngày: 14-01-2020 | 1425 lần đọc
|

Chiều ngày 09/01, tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, GS.TS Phạm Hồng Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; đồng chí Lê Văn Tuấn – Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên, PGS.TS Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và đồng chí Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã ký kết chương trình phối hợp Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên (ảnh dưới)

14-1-2020-KK-1.jpg

(Ảnh - Xuân Trường - Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên)

Mục đích của chương trình phối hợp nhằm tăng cường phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Thái Nguyên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương thông qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát huy tối đa thiết chế bảo tàng và các nguồn lực, tiềm năng hiện có để thực hiện đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của nhà trường; tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên được trải nghiệm thực tế, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương thông qua các tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững; giới thiệu đặc trưng văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương đến với mọi tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên và du khách. 

Các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành theo quy định sẽ phối hợp thực hiện 7 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương. Tích hợp nội dung quảng bá tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, biên tập, đưa nội dung giới thiệu về di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên vào chương trình giảng dạy của nhà trường. Đưa các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Thái Nguyên phổ biến trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên và hệ thống trường học trong toàn tỉnh. Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thứ tư, tổ chức cho học sinh, sinh viên các bậc học, các lứa tuổi đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Căn cứ điều kiện thực tế, các nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức tham quan, học tập, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên với những nội dung, hoạt động như: Tham quan phòng trưng bày chuyên đề: Văn hoá Trà Thái Nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử (tại Không gian văn hoá Trà Tân Cương); phòng trưng bày chuyên đề: Bác Hồ với Thái Nguyên, Di sản văn hoá Thần Sa và tiềm năng thiên nhiên Thái Nguyên (tại Bảo tàng tỉnh). Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Dân ta phải biết sử ta” thông qua tổ chức “Hành trình đến với bảo tàng”, địa danh lịch sử. Tổ chức các hoạt động học tập và tìm hiểu về địa lý, lịch sử, văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, đất nước con người Việt Nam, như hội thi “Tìm hiểu về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”; hội thi “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng kết hợp với giao lưu, biểu diễn văn nghệ...Thứ năm, nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức truyền dạy một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thông qua các hình thức, mô hình hoạt động phù hợp, như: thành lập câu lạc bộ, xây dựng chương trình sinh hoạt, học tập ngoại khóa...Thứ sáu, phối  hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày quốc tế Bảo tàng 18/5, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hằng năm với nội dung, hình thức phù hợp, như: Triển lãm tài liệu, hiện vật, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các trò chơi; mời nghệ nhân trình diễn trực tiếp các loại hình dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống; cho học sinh tham gia trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng, Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích quốc gia Khảo cổ học Thần Sa, Khu di tích Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh đêm 24/12/1972 (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên). Thứ bảy, phối hợp xây dựng triển khai thí điểm mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử” tại Bảo tàng tỉnh và một số trường học trên địa bàn tỉnh.

Đây là chương trình thiết thực có ý nghĩa nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Đại học Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chủ động hỗ trợ nhau trong công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương; thúc đẩy phong trào học tập suốt đời thông qua hệ thống Bảo tàng và di sản văn hóa.

Thanh Loan – TNU Media