Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Sơ kết công tác đào tạo trực tuyến kết hợp đào tạo truyền thống

Đăng ngày: 13-12-2021 | 928 lần đọc
|

Ngày 10/12, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống năm học 2021 – 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Hội nghị có GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng; lãnh đạo đơn vị và đại diện phòng/tổ đào tạo, phòng/Trung tâm Công nghệ Thông tin của các trường đại học, cao đẳng thành viên, trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, Trung tâm Số, Nhà Xuất bản, Trung tâm Đào tạo Từ xa.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tiếp tại Văn phòng ĐHTN

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1827/QĐ-ĐHTN ngày 01/9/2017 của Giám đốc ĐHTN về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng học liệu điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến E-Learning tại ĐHTN” và Quyết định số 2107/QĐ- ĐHTN ngày 02/10/2017 của Giám đốc ĐHTN về việc ban hành “Quy định tạm thời về đào tạo trực tuyến E-Learning kết hợp với đào tạo truyền thống tại ĐHTN”.

Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại các đơn vị đào tạo của ĐHTN; đánh giá kết quả của việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học theo hình thức trực tuyến.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã xây dựng được 29 bài giảng điện tử cho những môn học chung của các đơn vị đào tạo, đây là những môn học thiên về rèn luyện kỹ năng và hoạt động theo quy trình, có sự thay đổi nhanh về nội dung học tập, có yêu cầu cập nhật kịp thời và dễ dàng chuyển đổi sang E-Learning. Ngoài ra, các đơn vị đào tạo cũng đã chủ động xây dựng 539 bài giảng điện tử, học liệu điện tử và bài giảng điện tử theo chuẩn của ĐHTN và gần như 100% theo chuẩn của đơn vị.

Các đơn vị cũng đã tiến hành số hoá được trên 90.000 tài liệu, thực hiện 46 đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Về việc đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo trực tuyến, tại Trung tâm Số hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, các thiết bị chuyên dụng được đầu tư khá hiện đại và đồng bộ, hệ thống máy chủ, máy trạm, Thiết bị lưu và phát điện dự phòng, đường truyền tốc độ cao, đảm bảo, hệ thống sao lưu dữ liệu tập trung, thiết bị mạng và an ninh, phòng số hóa hiện đại, hệ thống phòng học đa phương tiện, đa chức năng...

Tại các đơn vị đào tạo thành viên đều có hệ thống máy chủ hiện đại, hệ thống mạng LAN được đầu tư đường Internet cáp quang băng thông rộng, kết nối với hệ thống mạng WAN nội bộ của ĐHTN với điểm trung tâm là Trung tâm số và các đơn vị thành viên là các vệ tinh. Ngoài việc dùng chung hệ thống LMS, LCMS, các đơn vị đào tạo đều có phần mềm chuyên dụng để cung cấp nội dung học tập, kế hoạch học tập và học liệu cho người học. Ngoài ra việc tổ chức giảng dạy e-learning thời gian qua của các đơn vị còn được thực hiện trên các phần mềm miễn phí như: Zoom; Google meet…Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, cán bộ quản lý đào tạo,… về kỹ năng công nghệ thông tin để triển khai đào tạo trực tuyến được Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên chú trọng.

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên chủ trì Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo trực tuyến và truyền thống của ĐHTN cũng bộc lộ một số hạn chế như: việc ứng dụng dạy học trực tuyến kết hợp với truyền thống mới chỉ ứng dụng một số ít môn học. Nhiều giáo viên chưa hiểu đúng bản chất của dạy online, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên chưa có thói quen học; hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp, tương tác giữa giảng viên và người học...

Điều kiện của sinh viên ở các địa phương khác nhau, điều kiện kinh tế gia đình khác nhau nên nếu áp dụng dạy online thì nhiều sinh viên sẽ thiệt thòi. Hiện tại, 70% sinh viên ĐHTN là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi khó khăn, không phải gia đình nào cũng lắp đặt wifi, không phỉa vùng nào mạng internet cũng tốt,…Nhiều gia đình không lắp đặt internet hoặc nếu có thì tốc độ đường truyền thấp không đủ đáp ứng để học online nên nếu tổ chức thì bộ phận này sẽ thiệt thòi…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề xoay quanh công tác xây dựng bài giảng điện tử E-Learning, học liệu điện tử và bài giảng điện tử theo chuẩn khác của đơn vị đào tạo; Công tác số hoá tài liệu dạy và học, định hướng phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở; Tình hình triển khai tổ chức đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại các đơn vị đào tạo như: đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, studio xây dựng bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, hệ thống LMS, hệ thống LCMS…;Tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, cán bộ quản lý đào tạo,…về kỹ năng công nghệ thông tin để triển khai đào tạo trực tuyến; Công tác kiểm tra, đánh giá học phần theo hình thức trực tuyến; Những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị, đề xuất của đơn vị đào tạo.

TS. Đỗ Đình Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐHTN đánh giá Đề án “Xây dựng học liệu điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến E-Learning tại ĐHTN” giai đoạn 2017-2020 đã đạt được một số thành tựu góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại ĐHTN, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Giai đoạn 2021-2025, ĐHTN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kế thừa những kết quả đạt được của Đề án này và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng. Giám đốc cũng đề nghị các đơn vị cần đổi mới tư duy trong quản lý đào tạo theo hướng giao quyền nhiều hơn cho giảng viên trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của người học; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo trong toàn ĐHTN nhằm khai thác, chia sẻ nguồn lực chung về con người, tài nguyên số và cơ sở hạ tầng.

Giám đốc cũng đã chỉ đạo một số nội dung về công tác số hóa học liệu và xây dựng bài giảng điện tử E-Learning, về đổi mới quản lý đào tạo và chính sách đối với giảng viên nhằm phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng nhằm thực hiện tốt Đề án./.

Thanh Loan – TNU Media