Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Tọa đàm trực tuyến: “Niềm tin, kỳ vọng vào Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên”

Đăng ngày: 01-10-2020 | 723 lần đọc
|

Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên thực hiện chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Niềm tin, kỳ vọng vào Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên”.

MC Trần Nhung: Kính thưa quý vị và các bạn! Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, nơi tập trung trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu đại diện cho cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh để thảo luận, quyết nghị phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản để đưa tỉnh Thái Nguyên đạt được sự phát  triển đột phá trong thời gian tới. Trước  thềm  Đại hội, Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với các vị khách mời để chia sẻ về những thành tựu của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) và huyện Võ Nhai nói riêng cũng như tỉnh Thái Nguyên nói chung; đồng thời chia sẻ niềm tin, kỳ vọng và những ý kiến đóng góp cho đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.

1-10-2020-TD-1.jpg

MC Trần Nhung: Xin trân trọng giới thiệu hai vị khách mời: GS, TS Phạm Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai.

Trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Kính thưa quý vị và các bạn!

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (trong đó có 14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức); kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

1-10-2020-TD-2.jpg

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XXII

MC Trần Nhung: Thưa đồng chí Phạm Văn Thọ, trong bức tranh chung, nhiều khởi sắc của toàn tỉnh Thái Nguyên, có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ huyện Võ Nhai. Những kết quả nào được xem là nổi bật đối với huyện vùng cao Võ Nhai, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Thọ: Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, với dân số của huyện là trên 68 nghìn người, trong đó 74% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của Nhân dân, nhất là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ huyện Võ Nhai có 34 chi, đảng bộ trực thuộc với 317 chi bộ cơ sở và trên 4.900 đảng viên.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, nỗ lực vượt qua khó khăn, vì vậy các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó nổi bật là:

Cơ cấu kinh tế của huyện phát triển đúng hướng và tăng trưởng khá. Cụ thể trong cơ cấu này, công nghiệp - xây dựng chiếm 58%, nông, lâm nghiệp chiếm 37%, dịch vụ chiếm 7%. Thu cân đối ngân sách bình quân hằng năm tăng 13% (vượt mục tiêu Nghị quyết 3%). Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học, trong đó có 48/67 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 72%), đạt 102% so với Nghị quyết đề ra. Điều đặc biệt trong giáo dục là cơ sở trường lớp của huyện Võ Nhai đã cơ bản được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, trên địa bàn không còn phòng học tạm. Bên cạnh đó, đến nay 15/15 xã, thị trấn của huyện đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong nhiệm kỳ đã xây dựng được 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, vì xây dựng nông thôn mới của huyện Võ Nhai khó khăn hơn rất nhiều so với xây dựng nông thôn mới ở các huyện đồng bằng. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 4%. Rừng của Võ Nhai chiếm tỷ trọng rất lớn trên địa bàn toàn tỉnh, cho nên giữ vững được tỷ lệ che phủ rừng của huyện Võ Nhai đã góp phần tích cực, quan trọng vào việc phủ xanh rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Võ Nhai là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác giảm nghèo. Cụ thể năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là gần 37%, đến năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống còn 13,63%, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm là 5,72%. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống dưới 10%. 100% các xóm, bản của huyện Võ Nhai đều có điện lưới quốc gia, 100% các hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia và 95% các hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh, chỉ tiêu này vượt 15% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chính vì vậy, năm 2017, huyện Võ Nhai đã được đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo được hưởng một số chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

1-10-2020-TD-3.jpg

Tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Võ Nhai giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 380 tỷ đồng, trong đó đóng góp của Nhân dân đạt trên 140 tỷ đồng; hỗ trợ xi măng 45.000 tấn, Nhân dân đã hiến trên 367.000m2 đất
(Trong ảnh: Khánh thành Nhà Văn hóa xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai)

Về công tác xây dựng Đảng, huyện Võ Nhai cũng có một số thành tích nổi bật. Trong đó, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã kết nạp 1.021 đảng viên (vượt mục tiêu Nghị quyết 28,13%). Điều đặc biệt, thứ nhất huyện Võ Nhai là huyện miền núi, 96% dân số sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí không đồng đều, vì vậy phát triển đảng viên vượt mục tiêu Nghị quyết là sự phấn khởi trong toàn Đảng bộ. Nổi bật thứ hai trong công tác xây dựng Đảng là đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Võ Nhai có 12 chi bộ sinh hoạt ghép. Nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, đến hết năm 2019 Đảng bộ huyện Võ Nhai đã xóa được 12 chi bộ sinh hoạt ghép, đến nay không còn chi bộ sinh hoạt ghép. Những kết quả nổi bật đó của huyện Võ Nhai cũng đã góp một phần tích cực vào thành tích chung của toàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

MC Trần Nhung: Nhiệm kỳ vừa qua, ĐHTN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định được uy tín và vị thế của một Đại học vùng trong nền giáo dục nước nhà. GS, TS Phạm Hồng Quang có thể chia sẻ những thành tựu quan trọng về công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và của tỉnh Thái Nguyên?

GS, TS Phạm Hồng Quang: Đảng bộ ĐHTN có 11 đảng bộ cơ sở trực thuộc với gần 4.000 đảng viên tại 7 trường đại học và cao đẳng. Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHTN nhiệm kỳ vừa qua đã tổng kết và thành công tốt đẹp, Đại hội đã đánh giá tất cả các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đều đạt và vượt. Về công tác xây dựng Đảng, về chuyên môn, đặc biệt là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, có thể nói đây là ấn tượng tạo vị thế của ĐHTN. Nhiệm kỳ vừa qua, ĐHTN tập trung xây dựng chương trình trọng tâm, mỗi trường thành viên từ 1 đến 2 chương trình, hướng tới kiểm định quốc tế, đặc biệt 7 trường đại học của ĐHTN đã được kiểm định chất lượng quốc gia, nhiều chương trình của Asean đã bắt đầu kiểm định trong năm nay và đưa vào sử dụng. Đánh giá chung của tổ chức kiểm định, ĐHTN là 1 trong 10 trường công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam; xếp hạng chỉ số nghiên cứu nội lực đứng thứ 3/35 trường đại học. Với quy mô gần 60.000 sinh viên, trong đó có 4.000 cao học và nghiên cứu sinh, hơn 1.000 lưu học sinh quốc tế, chúng tôi đang tổ chức đào tạo theo định hướng chất lượng, đây là một thành quả chúng tôi thấy là quan trọng nhất.

1-10-2020-TD-4.jpg

Năm 2019, Đại học Thái Nguyên vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

MC Trần Nhung: Là một trong những Đại học vùng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng tổ chức Đảng lại trực thuộc Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện các mục tiêu nghị quyết đề ra đối với ĐHTN có những thuận lợi, khó khăn gì thưa GS, TS Phạm Hồng Quang?

GS, TS Phạm Hồng Quang: Đảng bộ ĐHTN là Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Thái Nguyên, đây là cơ hội thuận lợi, gắn bó mật thiết với quan điểm đường lối cùng với sự tạo điều kiện của Tỉnh ủy. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nhiệm kỳ vừa qua, ĐHTN đã được sự quan tâm chặt chẽ, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của các Ban Đảng, của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Về chuyên môn, ĐHTN đã được đầu tư các chương trình rất lớn, ví dụ như chương trình công nghệ gần 100 tỷ với 6 Đề án lớn đã và đang được triển khai đúng tiến độ, đây là một sự quan tâm đặc biệt của tỉnh về khoa học công nghệ. Ngay trong năm 2020, khi đứng trước tình hình dịch bệnh, các nhà khoa học của ĐHTN đã báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và đã được đồng ý phương án xây dựng thực hiện nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”, đảm bảo độ chính xác 100%, đảm bảo việc xét nghiệm nhanh trong vòng 30 phút với giá thành thấp và đang chuẩn bị đầu tư để sản xuất phục vụ đại trà cho xét nghiệm trong tỉnh, trong nước, tiến tới xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng đây là một quan điểm, một cách nhìn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với ĐHTN về sự quan tâm với khoa học công nghệ, sự lãnh đạo đó đã giúp cho ĐHTN hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua.

Đối với những khó khăn hiện nay, Đảng bộ ĐHTN cũng gặp những khó khăn về xu hướng chung đó là, giáo dục đại học cần phải nâng cao chất lượng trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Thứ hai đó là việc chuẩn bị cho việc tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đang thiết kế lại mô hình đại học cho phù hợp với thực tiễn, với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh, ĐHTN hy vọng sẽ vượt qua mọi thách thức lớn để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

1-10-2020-TD-5.jpg

Nhóm nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2 của Khoa Công nghệ Sinh học,Trường Đại học Khoa học (ĐHTN)

MC Trần Nhung: Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XXII xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh và bản sắc của địa phương. Cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, thì huyện Võ Nhai có mong muốn, đề nghị gì về các chính sách của tỉnh trong thời gian tới để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thưa đồng chí Phạm Văn Thọ?

Đồng chí Phạm Văn Thọ: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XXII đã tổ chức thành công tốt đẹp, Đại hội cũng xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Đoàn kết, đổi mới, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng huyện Võ Nhai phát triển bền vững.

Với diện tích của huyện Võ Nhai là 840km2, trong đó gần 87% là đồi và núi đá, diện tích để phát triển công nghiệp và các dịch vụ khác chỉ chiếm khoảng 13%. Đây là một điều kiện rất khó khăn, thêm vào đó, hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, Võ Nhai cũng là một địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu tương đối thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trên địa bàn Võ Nhai cũng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và cấp tỉnh, có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Đây là điều kiện để huyện phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái. Vì vậy, để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương thì Đảng bộ huyện Võ Nhai đã chọn những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, hạ tầng, trong đó đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng về giao thông; phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch để đưa kinh tế của huyện Võ Nhai phát triển.

1-10-2020-TD-6.jpg

Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Võ Nhai trên 1.560ha, trong đó đã hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tuy nhiên, do Võ Nhai là huyện khó khăn vùng cao, xuất phát điểm thấp, tiềm lực để đầu tư còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, trong đó có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chính sách về đầu tư, các chính sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, để trong nhiệm kỳ tới huyện Võ Nhai có điều kiện phát triển nhanh hơn về kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

MC Trần Nhung: Cũng đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới, GS, TS Phạm Hồng Quang có thể chia sẻ những giải pháp đột phá mà Đảng bộ ĐHTN đã đề ra để đơn vị luôn xứng đáng vị thế là Đại học vùng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên?

GS, TS Phạm Hồng Quang: Đảng bộ Đại học Thái Nguyên do tính chất là một trường đại học cho nên công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học được chúng tôi xác định là trọng tâm và luôn luôn có định hướng đổi mới. Chúng tôi cho rằng, trong giải pháp đột phá của tỉnh cũng như của cả đất nước về hạ tầng, về nguồn nhân lực và thể chế thì vai trò Đại học Thái Nguyên được xác định là 1 vị trí quan trọng. Chúng tôi tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó luôn trụ vững 3 thế đứng: Một là đào tạo chất lượng cao, hai là chuyển giao khoa học công nghệ thành công và ba là tư vấn chính sách có hiệu quả. Khi nào đưa được nguồn lực của toàn Đại học Thái Nguyên để đổi mới tăng trưởng phát triển bền vững của vùng và của tỉnh thì khi đó chúng tôi mới thể hiện được sứ mạng và vai trò của mình với đất nước, với Vùng như trong Luật Giáo dục xác định. Để triển khai những nội dung này chúng tôi tập trung các đề án lớn là phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh và Vùng, trong đó tập trung phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh nhằm tạo ra các lợi thế cạnh tranh của tỉnh đối với khu vực. Trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng một thế mạnh đó là chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương dựa trên tiềm lực sẵn có và gắn với sự đặt hàng của các tỉnh, trong đó có tỉnh Thái Nguyên để làm sao thế mạnh của Đại học Thái Nguyên được khai phóng và phát triển. Đại học Thái Nguyên phấn đấu trở thành một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Đây là một chiến lược chúng tôi theo đuổi từ lâu, gần đây nhất đã có sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã khẳng định vai trò, vị thế của Đại học Vùng đối với tỉnh Thái Nguyên, đối với cả vùng. Chúng tôi cam kết sẽ đưa nhiệm kỳ tới phấn đấu trở thành một bộ phận gắn bó mật thiết hơn, có hiệu quả hơn đối với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

1-10-2020-TD-7.jpg

Tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp là một trong những giải pháp đột phá mà Đảng bộ ĐHTN đã đề ra trong nhiệm kỳ tới 
(Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành tham quan mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc do ĐHTN triển khai thực hiện)

MC Trần Nhung: Để hoàn thiện mục tiêu nghị quyết, yếu tố con người có vai trò đặc biệt quan trọng. Đồng chí Phạm Văn Thọ có thể đánh giá thực tế chất lượng nguồn nhân lực của huyện Võ Nhai? Với thực tế nguồn nhân lực như hiện nay thì địa phương mong muốn điều gì?

Đồng chí Phạm Văn Thọ: Thực tế chất lượng nguồn nhân lực của huyện Võ Nhai hiện nay nói chung đã được nâng cao so với trước đây, tuy nhiên một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, hạn chế về tư duy đổi mới, năng lực để thực thi công vụ từ huyện đến cơ sở và nhất là ở cơ sở. Về trình độ lực lượng lao động nói chung của huyện Võ Nhai còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, vì vậy trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, huyện Võ Nhai sẽ tập trung làm tốt công tác cán bộ bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tập trung ở các điểm sau:

Thứ nhất: Đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và đặc biệt là trình độ tin học, bởi hiện nay trình độ tin học của cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ cấp xã của huyện Võ Nhai còn yếu, để thực hiện Chính phủ điện tử cần phải nâng cao trình độ tin học và ứng dụng công nghệ.

Thứ hai: Đối với lực lượng lao động của huyện Võ Nhai do đặc thù là huyện vùng cao, nhiều dân tộc thiểu số và người dân đã hình thành văn hóa lao động sản xuất mang tính tự cung, tự cấp. Vì vậy, trong giai đoạn mới cần phải nâng cao học vấn, nâng cao trình độ tay nghề và đặc biệt cần phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động sản xuất và kinh doanh.

Thứ ba: Nhận thức được vấn đề con người là yếu tố quan trọng, quyết định việc thành công trong việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đại hội xác định là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có đạo đức, năng lực, nhiệt tình trách nhiệm và sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ”. Có thể nói, với các vấn đề đột phá trên, huyện Võ Nhai sẽ triển khai để nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức nói chung. Với thực tế nguồn nhân lực hiện nay của huyện Võ Nhai, rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chính sách ưu tiên để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động nói chung của những huyện vùng sâu, vùng xa như huyện Võ Nhai. Rất vinh dự cho tỉnh Thái Nguyên có ĐHTN là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn thứ 3 của cả nước đứng chân trên địa bàn, vì vậy trong thời gian tới huyện Võ Nhai rất mong được ĐHTN và các trường thành viên của ĐHTN quan tâm, phối hợp, giúp đỡ trong công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho huyện Võ Nhai để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện.

1-10-2020-td-8.jpg

Cắt băng khánh thành công trình điện xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Đây là một trong những công trình thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới Quốc gia, giai đoạn 2018 - 2020 do EU tài trợ

MC Trần Nhung: Về vấn đề đồng chí Phạm Văn Thọ vừa nêu, với vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, ĐHTN có những kế hoạch phối hợp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạt động hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ với tỉnh Thái Nguyên nói chung và các khu vực miền núi, vùng cao, trong đó có huyện Võ Nhai nói riêng thưa GS, TS Phạm Hồng Quang?

GS, TS Phạm Hồng Quang: Ngoài các chương trình lớn mà tỉnh đã ký kết với Đại học Thái Nguyên, chúng tôi cũng ký kết hợp tác với một số địa phương, trong đó có huyện Võ Nhai. Nhiều trường đại học thành viên của ĐHTN như: Đại học Nông lâm, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sư phạm, Đại học Y dược và một số trường đại học khác... đã trực tiếp đến các huyện, các địa phương để hợp tác nâng cao trình độ học vấn cho người lao động và hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên các lĩnh vực như: Nông, lâm, ngư nghiệp, văn hóa, xã hội... Huyện Võ Nhai cũng như một số huyện khác như: Đại Từ, Định Hóa đã ký kết hợp tác với Đại học Thái Nguyên và các nhà khoa học của ĐHTN đã trực tiếp đến địa phương làm việc, bước đầu mang lại kết quả tương đối tốt đẹp. Tuy nhiên, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đòi hỏi quá trình dài lâu, có sự cộng hưởng chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, người nông dân cũng như người lao động. Chỉ khi nào người nông dân vào cuộc mạnh mẽ thì khi đó mới kết nối được chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đây cũng là trách nhiệm của ĐHTN và các địa phương. Chúng tôi tin rằng với cách tư duy hiện đại và cách nhìn rất đúng của các đồng chí bí thư cấp ủy ở cấp huyện, sức mạnh nội lực của địa phương sẽ được nâng lên nhờ sự hỗ trợ của khoa học công nghệ.

MC Trần Nhung: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm công nghiệp vào năm 2030”. Một câu hỏi chung dành cho hai vị khách mời, với chủ đề trên, các đồng chí đặt niềm tin, kỳ vọng như nào về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp diễn ra tới đây?

Đồng chí Phạm văn Thọ: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cá nhân tôi mong muốn có 2 việc: Đại hội sẽ bàn bạc thảo luận để quyết sách những chỉ tiêu, mục tiêu và đề ra các giải pháp thiết thực cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh xứng đáng là một tỉnh trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ hai, Đại hội cũng sẽ sáng suốt lựa chọn bầu các đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

GS, TS Phạm Hồng Quang: Chúng ta luôn có niềm tin vào năng lực, sức mạnh đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Là một tỉnh có bề dày về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong nhiệm kỳ qua và trong nhiệm kỳ tới, những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã được đào tạo rất cơ bản thì chúng ta hoàn toàn có niềm tin để có thể thành công trong 3 đột phá chiến lược mà đã được Đảng, Nhà nước xác định. ĐHTN cũng sẽ cố gắng tham gia vào việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng các nền tảng khoa học công nghệ để được chuyển giao vào cuộc sống; những chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh sẽ hàm chứa nhiều hàm lượng trí tuệ vận dụng vào thực tiễn. Sự lãnh đạo của tỉnh đã quan tâm rất nhiều đến các khía cạnh của đời sống văn hóa, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đó là một tư duy rất đúng khi chúng ta cạnh tranh không phải bằng vật chất, bằng sự tăng trưởng thuần túy, mà chúng ta còn phải cạnh tranh với thế giới, với nhân loại bằng trí tuệ, bằng sự đóng góp của những con người tài giỏi. Chính vì vậy, đây chính là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên khi lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy Đảng và của từng người dân, hy vọng đặt niềm tin vào trí tuệ trong tương lai khi đó một đất nước, một địa phương, một đơn vị sẽ phát triển bền vững. ĐHTN sẽ nỗ lực cùng với Đảng bộ tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng bộ tỉnh với nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, đây cũng là niềm tin của Nhân dân, của các nhà khoa học gửi gắm vào tất cả các đồng chí lãnh đạo, những người ưu tú sẽ được Nhân dân, Đảng bộ bầu ra để đưa tỉnh Thái Nguyên cất cánh cùng với các địa phương vùng và đất nước.

MC Trần Nhung: Thưa quý vị và các bạn! Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp tới là sự kiện chính trị quan trọng mà cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên mong chờ. Tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra trong không khí dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Mong muốn các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay mặt đảng viên, Nhân dân bầu ra cấp ủy khóa mới là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, tâm huyết, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; tiếp tục đưa ra được những quyết sách đúng đắn, phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết, đưa tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có bước phát triển đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên