Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Tổng kết công tác quản lý và đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam

Đăng ngày: 28-10-2020 | 2921 lần đọc
|

Ngày 27/10, tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý và đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam năm học 2018 – 2019, 2019 – 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.

27-10-2020-TK-1.jpg

Tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại chương trình

Dự Hội nghị có ngài Khamphan Khamone – Tham tán Văn hóa, Giáo dục nước CHDCND Lào tại Việt Nam; TS. Nguyễn Hải Thanh – Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đào tạo có lưu học sinh Lào khu vực phía Bắc.

 Theo báo cáo của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, năm học 2018 – 2019 có 177 cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam có đào tạo lưu học sinh Lào với tổng số 16,644 người, bao gồm các diện du học theo hiệp định, các tỉnh kết nghĩa, kinh phí quốc tế, công ty tài trợ và kinh phí tự túc ở các bậc học như: nghiên cứu sinh, chuyên gia, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung học, dự bị Tiếng Việt, học văn hóa và tập huấn ngắn hạn.

27-10-2020-TK-2.jpg

Các đại biểu dự Hội nghị

Năm học 2019 – 2020 con số này là 16.075 người. Trong đó có 1.906 người đã tốt nghiệp về nước (khu vực miền Bắc), trong đó có 31 tiến sĩ, 384 thạc sĩ, 1.177 cử nhân.

Trong thời gian qua, với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành, các cơ sở giáo dục của Việt Nam, các lưu học sinh Lào đã được hỗ trợ rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Năm học 2018 – 2019, đã có 548 lưu học sinh Lào được khen thưởng.

Bên cạnh đó, báo cáo của Đại sứ quán cũng thẳng thắn chỉ rõ một số nội dung còn tồn tại trong công tác quản lý và đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam như: ý thức học tập và tổ chức kỷ luật chưa tốt, một số lưu học sinh vi phạm quy chế đào tạo của nhà trường, chưa tham gia tích cực vào các phong trào do cơ sở đào tạo tổ chức…

Tại Hội nghị, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cũng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả học tập và rèn luyện của lưu học sinh Lào với Đại sứ quán, đề nghị các cơ sở giáo dục của Việt Nam quan tâm hơn nữa trong công tác bồi dưỡng Tiếng Việt và kiến thức chuyên môn cho các lưu học sinh Lào có kết quả học tập kém; đề nghị một số cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho lưu học sinh Lào trong công tác tạm trú, cấp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo quản hộ chiếu tránh tình trạng sinh viên Lào về nước thăm gia đình một cách tùy tiện; chứng nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp và bàn giao lưu học sinh Lào cho Đại sứ quán Lào theo đúng quy chế…

27-10-2020-TK-3.jpg

Ngài Khamphan Khamone phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, ngài Khamphan Khamone đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên, các cơ sở giáo dục có đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam đã luôn giành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh Lào trong quá trình học tập tại Việt Nam, giúp nước bạn Lào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh, quốc phòng.

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Là một trong 03 Đại học vùng lớn của cả nước, Đại học Thái Nguyên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả và tư vấn chính sách cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng Trung du, miền núi Bắc bộ. Với 08 đơn vị thành viên, 1 trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, hiện ĐHTN có hơn 2.500 giảng viên với hơn 900 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang triển khai 283 ngành đào tạo với quy mô gần 55.000 sinh viên trình độ đại học, trên 4.500 học viên sau đại học, NCS và hơn 1.000 lưu học sinh (LHS) quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm qua, ĐHTN luôn chú trọng đến công tác xây dựng môi trường học tập quốc tế thông qua việc mở rộng số lượng LHS và sự đa dạng quốc gia có LHS, trong đó đặc biệt chú trọng bồi đắp và phát triển quan hệ hợp tác đào tạo LHS Lào ở cả 3 trình độ: Cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

27-10-2020-TK-4.jpg

PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc ĐHTN phát biểu tại Hội nghị

Với 841 lưu học sinh Lào đang theo học các bậc từ cao đẳng, đại học và sau đại học tại 10/11 đơn vị đào tạo của ĐHTN, các đơn vị thành viên đã và đang cố nỗ lực hết mình tạo môi trường học tập tốt nhất để lưu học sinh Lào có thể sử dụng tốt tiếng Việt học tập chuyên môn. Nhiều cơ chế chính sách đã được thực hiện như học bổng hỗ trợ tư liệu học tập, tham gia sinh hoạt ngoại khóa, tham quan thực tế, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt nhất cho lưu học sinh Lào, v.v.... Từ chỗ chưa quen với cuộc sống tại Việt Nam, LSH dần quen và tự tin sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ để học tập tốt chuyên môn. Điều này đã được khẳng định khi học viên thạc sĩ của trường Đại học Sư phạm - ĐHTN đạt giải đặc biệt cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và ĐHTN tổ chức. Nhiều sinh viên Lào được đào tạo ở ĐHTN khi quay trở về nước công tác đã nắm giữ những vị trí quan trọng của quốc gia.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở đào tạo đã phát biểu tham luận, trao đổi các ý kiến liên quan tới công tác quản lý, đào tạo lưu học sinh Lào của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Đại sứ quán Lào, Trường Hữu nghị T88, Trường Đại học Tây Bắc, Trường dự bị dân tộc Sầm Sơn... đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cả kiến thức, kỹ năng và thái độ, đạo đức hướng tới lưu học sinh phát triển năng lực toàn diện.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Việt – Lào luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng. Những kết quả đạt được đã góp phần thiết thực củng cố, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc và sự phát triển của đất nước Lào anh em.

TS.Nguyễn Hải Thanh – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, các hoạt động hợp tác giáo dục giữa 2 nước được thực hiện trên cơ sở của việc triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”. Đề án được coi là một giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án, theo kế hoạch hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Thể thao Lào, năm 2020 hai Bộ sẽ tiến hành tổng kết Đề án giai đoạn 2011-2020 và xây dựng đề án giai đoạn 2 cho 10 năm tiếp theo. Hiện tại, việc 2 Bộ đã hoàn thiện dự thảo Đề án cho giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành 2 nước, theo kế hoạch, Đề án hợp tác giáo dục Việt – Lào giai đoạn 2021-2030 sẽ được ký kết tại kỳ họp ủy ban liên Chính phủ vào cuối năm 2020.

27-10-2020-TK-5.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Mục tiêu xuyên suốt của đề án giai đoạn 2021-2030 là tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Lào trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam – Lào trong tình hình mới.

Trong nội dung đề án đã xác định nhiều giải pháp và các hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra như tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, xây dựng giáo trình tiếng Việt phù hợp với các đối tượng khác nhau, cử giáo viên sang Lào, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo tiếng Việt tại Lào.

27-10-2020-TK-6.jpg

TS. Nguyễn Hải Thanh tặng Giấy khen cho các sinh viên có kết quả học tập tốt năm học 2018 - 2019

Cũng nhân dịp này, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã khen thưởng cho 10 lưu học sinh Lào có kết quả học tập tốt trong năm học 2018 – 2019, trong đó có 05 lưu học sinh đang học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính và 05 lưu học sinh đang học tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Thanh Loan – TNU Media