Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2021

Đăng ngày: 24-01-2022 | 2013 lần đọc
|

Sáng ngày 21/1/2022, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2021, triển khai phương hướng và nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Hội nghị có đại diện Ban Giám đốc, lãnh đạo Ban Đào tạo, Ban Công tác Học sinh Sinh viên, Ban Thanh tra, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế. GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2021, công tác tuyển sinh của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đạt được nhiều kết quả tích cực, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của 139 ngành đào tạo trình độ đại học là 12.971; 27 ngành đào tạo trình độ cao đẳng là 1.000 và 25 ngành đào tạo trình độ trung cấp là 360. Kết quả tuyển sinh năm 2021 của toàn ĐHTN cụ thể của các hệ đào tạo như sau: Đại học chính quy: 11.387 (đạt 87,8%); cao đẳng: 1.008 (đạt 100,8%); trung cấp: 409 (đạt 113,6%).

Tuyển sinh lưu học sinh nước ngoài năm 2021 đạt 181 lưu học sinh (trong đó có 140 lưu học sinh Lào, 69 học viên thạc sĩ). Ngoài ra, ĐHTN đã tiếp nhận đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc trong khu vực với 80 sinh viên và 10 sinh viên hệ cử tuyển.

Hệ đại học văn bằng 2, liên thông chính quy tuyển được 1.090 sinh viên, tăng so với năm 2021; tuyển sinh đại học hệ vừa làm vừa học đạt 7.568 sinh viên, thấp hơn so với năm 2020; tuyển sinh hệ đào tạo từ xa năm 2021 đạt 2.589 học viên đạt 83,5% so với chỉ tiêu đăng ký năm 2021. Về công tác tuyển sinh sau đại học, trong năm 2021, ĐHTN đã tổ chức 02 đợt thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ đợt tháng 4 và tháng 10 năm 2021 với tổng số 1.941 thí sinh trúng tuyển, đạt 96% so với chỉ tiêu (2.016 chỉ tiêu); 426 bác sĩ chuyên khoa I, 171 bác sĩ chuyên khoa II và bác sĩ nội trú.

Nhìn chung, công tác tuyển sinh có nhiều thuận lợi, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ĐHTN đầy đủ, kịp thời và cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đào tạo triển khai tuyển sinh. ĐHTN cũng đã hỗ trợ kịp thời các đơn vị đào tạo khi gặp khó khăn về phần mềm nhập dữ liệu xét tuyển, tư vấn kịp thời những vấn đề chưa rõ về nghiệp vụ trong công tác tuyển sinh. Công tác quảng bá tuyển sinh triển khai hợp lý và linh hoạt phù hợp với thực tế của từng giai đoạn tuyển sinh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyển sinh cũng gặp một số hạn chế: Một số đơn vị đào tạo công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, một số ngành mới mở chưa được điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu một cách chính xác dẫn đến kết quả tuyển sinh chưa đồng đều giữa các ngành; Công tác tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành của Trường Đại học Y - Dược còn một số bất cập do sự phối hợp giữa các địa phương với nhà trường chưa chặt chẽ, bên cạnh đó nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn trong tuyển sinh đối với hệ liên thông và đào tạo theo đặt hàng; Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh một số đơn vị đào tạo còn chưa có dự báo tốt dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu đăng ký, điều này gây khó khăn trong việc xét tuyển và báo cáo chỉ tiêu với Bộ GD&ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ thay đổi, điều kiện tuyển sinh đầu vào tiến sĩ ngày càng cao, các thí sinh chủ yếu gặp khó khăn không đủ điều kiện tiếng Anh, do vậy số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh giảm mạnh, Dịch bệnh COVID-19 cũng gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh liên kết đào tạo quốc tế dẫn đến số lượng tuyển sinh liên kết đào tạo quốc tế giảm.

PGS.TS Trần Quang Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh phát biểu tại Hội nghị

Về công tác đào tạo, quy mô đào tạo năm 2021 của ĐHTN là 60.228 người học. Cụ thể như sau: Trình độ đại học là 35.387 sinh viên; trình độ cao đẳng: 3847 sinh viên; 1.410 sinh viên liên thông chính quy; 1.148 sinh viên; văn bằng 2 chính quy; 13.431 sinh viên vừa làm vừa học; 5.005 sinh viên hệ đào tạo từ xa. Năm 2021, quy mô đào tạo các trình độ và loại hình đào tạo của ĐHTN tăng hơn 1.000 sinh viên so với năm 2020, quy mô tăng ở loại hình đào tạo chính quy tập trung (năm 2020 là 32.651 và năm 2021 là 39.234). Các đơn vị đào tạo tăng mạnh quy mô đào tạo chính quy so với năm 2020 là Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Ngoại Ngữ.

Năm 2021, ĐHTN tuyển được 11.387 sinh viên chính quy, 7.568 sinh viên vừa làm vừa học, 1.941 học viên sau đại học; tuy nhiên, một số ngành đào tạo quy mô sinh viên giảm tới mức báo động. Tổng số sinh viên tốt nghiệp năm 2021 các trình độ, các loại hình đào tạo: hệ chính quy là 6.746 sinh viên, hệ vừa làm vừa học là 9.960 sinh viên. Công tác quản lý đào tạo, mở ngành và phát triển chương trình đào tạo, quản lý, tổ chức đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế.

Các báo cáo tổng kết trình bày tại Hội nghị cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cho công tác tuyển sinh, đào tạo của Đại học Thái Nguyên năm 2022, trong đó tập trung vào các biện pháp chủ yếu đã được các đại biểu đồng tình và nhất trí cao.

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có ý kiến đóng góp cho 2 các báo cáo trình bày tại Hội nghị. Phát biểu chỉ đạo, GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã đánh giá cao những kết quả công tác tuyển sinh, đào tạo của Đại học Thái Nguyên đã đạt được trong năm 2021. Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, GS.TS Phạm Hồng Quang chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Đào tạo cũng như các đơn vị có liên quan. Thứ nhất, về công tác mở ngành, quy hoạch ngành và chuyên ngành đào tạo, các đơn vị cần tiến hành khảo sát, xây dựng đề án mở ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các đơn vị thực hiện đánh giá hiệu quả của công tác mở ngành, duy trì ngành đào tạo và báo cáo ĐHTN về nội dung này; giao Ban Đào tạo chủ trì xây dựng kế hoạch và sớm tổ chức Hội nghị về “Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHTN giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”.

Thứ hai, về công tác tuyển sinh, giao Ban Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Đề án quảng bá công tác tuyển sinh của ĐHTN năm 2022, đảm bảo chất lượng, tập trung nguồn lực, hiệu quả, tiết kiệm, chú trọng công tác truyền thông về chất lượng đào tạo, tinh thần phục vụ, thương hiệu, uy tín của ĐHTN và các đơn vị,  công tác tuyển sinh cần được xây dựng và triển khai  thường xuyên, liên tục với nhiều phương án, trong đó chú ý sự đa dạng trong tuyển sinh các loại hình đào tạo liên thông chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, học cùng lúc hai chương trình, đào tạo từ xa. Phương thức tuyển sinh cần được thực hiện đa dạng hóa, trong đó giảm chỉ tiêu cho tuyển sinh từ xét học bạ, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và dành chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo trọng điểm theo định hướng chất lượng cao, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình liên kết quốc tế và các chương trình đào tạo khác). Về tuyển sinh sau đại học cần xây dựng theo phương án kết hợp thi tuyển (đối với chuẩn đầu vào ngoại ngữ) và xét tuyển; hướng dẫn các đơn vị đào tạo thông báo tuyển sinh theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba, về công tác đào tạo, ĐHTN cũng như các đơn vị thành viên cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đào tạo, xây dựng mới các văn bản phù hợp với Luật 34, Nghị định 99 và các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giám đốc cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế ba công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng công tác phát triển chương trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19; Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng tính liên thông giữa các chương trình của các đơn vị, sử dụng tối đa nguồn lực chung của ĐHTN. Công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (chu kỳ tiếp theo) và kiểm định các chương trình đào tạo theo kế hoạch của ĐHTN cần tiếp tục được đẩy mạnh, song song với đó là triển khai kế hoạch phát triển học liệu điện tử và số hóa tài liệu phục vụ đào tạo, từng bước hình thành nguồn tài nguyên giáo dục mở của ĐHTN...

Thanh Loan – TNU Media