Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Vượt qua bóng tối để viết tiếp ước mơ tươi sáng nơi giảng đường

Đăng ngày: 11-11-2020 | 882 lần đọc
|

Không may mắn như nhiều sinh viên khác, cánh cửa đến với giảng đường đại học của Ma Thị Phương – Tân sinh viên K18 ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã có lúc tưởng chừng như phải khép lại vì bạo bệnh. Nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ, bằng quyết tâm vượt qua bóng tối, Phương đang viết tiếp những ước mơ tươi sáng nơi giảng đường.

11-11-2020-anh 1.jpg

Sinh viên Ma Thị Phương (đứng thư 2 từ trái sang) nhận học bổng toàn khóa củaTrường Đại học Khoa học trao tặng

Hành trình đến với giảng đường đại học của Phương là một chặng đường dài với vô vàn những khó khăn, thử thách. Theo lời kể của Phương, khi bạn vừa trở thành học sinh của Trường THPT Lương Ngọc Quyến (Tp. Thái Nguyên), niềm vui được học ở một ngôi trường có tiếng của Thành phố vừa đến thì cũng là lúc Phương nhận thấy những thay đổi nhanh chóng đang xảy ra với đôi mắt mình. Chỉ trong vòng một tuần, cả hai mắt của Phương gần như không nhìn thấy gì nữa. Căn bệnh Viêm tủy thị thần kinh đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt trong veo của bạn. Trong tâm trí Phương – tâm trí của một cô gái mới lớn với đầy ắp những ước mơ và dự định dang dở, đó thực sự là một điều vô cùng khủng khiếp. Phương nhớ như in một trưa chủ nhật oi ả tháng 7 năm 2016, Phương hoảng loạn gọi điện cho bố không phải để tỉ tê trò chuyện như mọi khi mà để báo một tin dữ: “Bố ơi, mắt con không còn nhìn thấy gì nữa!”.

Cũng bắt đầu từ ngày đó - Phương phải sống chung với bạo bệnh trong những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời mình. Mọi thứ đến quá đường đột khiến Phương không khỏi choáng váng, bàng hoàng. Những ngày ấy, thay vì được cắp sách đến trường học tập giống như các bạn cùng trang lứa, Phương ngậm ngùi vì phải nghỉ học giữa chừng. Không sao diễn tả hết nỗi đau khổ khi trong lòng Phương luôn khát khao được học tập nhưng giờ đây bỗng nhiên bản thân lại không thể nhìn, không thể đọc, không thể viết. Nhiều người trong hoàn cảnh ấy dễ rơi vào nỗi đau, sự tuyệt vọng và an phận, chấp nhận sống trong thế giới bóng tối. Nhưng với Phương thì không! Với Phương, đó lại là lúc khát khao được học tập, khát khao được đặt chân vào giảng đường đại học trỗi dậy mạnh mẽ, quyết liệt hơn bao giờ hết.

Phương khăn gói theo bố mẹ đi khắp nơi với hy vọng lấy lại ánh sáng cho đôi mắt. Từ những cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa trong nước như Bệnh viện Mắt Trung ương cho tới các bệnh viện uy tín ở nước ngoài như Singapore, từ việc chữa trị theo những đơn thuốc Tây đến cả những bài thuốc Nam. Phương đã cố gắng chạy chữa nhưng đôi mắt bạn vẫn không tiến triển. Biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, không thể chạy chữa. Phương chấp nhận sự thật nhưng không từ bỏ ước mơ. Phương bắt đầu học chữ nổi với tất cả khát khao được trở lại trường học. Phương đã biết cách sử dụng chữ nổi chỉ sau hai tháng. Sau một năm gián đoạn, Phương quay trở lại trường học, viết tiếp những ước mơ dang dở với một nghị lực mạnh mẽ và tinh thần lạc quan hiếm có.  

11-11-2020-anh 2.jpg

Niềm vui của Ma Thị Phương khi trở thành tân sinh viên ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)

Niềm khát khao chát bỏng được trở thành sinh viên đại học đã thôi thúc Phương nỗ lực học tập không ngừng nghỉ. Kết quả là ba năm liên tiếp bậc THPT Phương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Và nhờ những kết quả học tập tốt, Phương đã trúng tuyển (bằng hình thức xét tuyển học bạ) và trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Bạn còn được Nhà trường tặng học bổng hỗ trợ học tập toàn khóa trị giá 33 triệu đồng. Ngoài việc học trên lớp, ở nhà Phương vẫn dành thời gian cho những đam mê của bản thân. Là một cô gái nhưng Phương không chỉ yêu sách, đọc nhiều sách, thích viết review sách mà bạn còn rất thích bóng đá và nhạc Rap. Cuốn sách mà Phương cảm thấy thích thú nhất là Cuộc phiêu lưu trong bóng tối của tác giả Tom Sullivan ."Khi đọc câu chuyện này, mình như tìm lại được chính mình trong đó. Câu chuyện đã giúp mình có thêm động lực, xốc lại tinh thần trong lúc tuyệt vọng nhất. Mình đã bình tĩnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để bước tiếp trên con đường mà mình mơ ước".

Khi được hỏi về phương pháp học tập và những khó khăn bạn đang gặp phải, Phương cởi mở chia sẻ: “Mình đã học cách sử dụng phần mềm NVDA - phần mềm đọc màn hình trên máy tính để phục vụ việc học tập. Khi học trên lớp, mình ghi bài và học bài bằng phần mềm Microsoft Word. Mình cũng sử dụng ứng dụng hỗ trợ tiếp cận cho người khiếm thị trên điện thoại thông minh. Hai công cụ này đã giúp ích rất nhiều cho mình trong việc học tập, đặc biệt là việc tự học, tự nghiên cứu ở môi trường đại học. Tuy nhiên. mình vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài liệu sách dạng file PDF có hình ảnh bên trong, hay khi giảng viên dạy trên Powerpoint mà có ảnh hay video. Nhưng rất may mắn vì thầy cô đều chia sẻ và gửi thêm các nguồn tài liệu khác để giúp mình nắm bắt được kiến thức một cách hiệu quả. Vì thế, mình tin là mình sẽ học tốt các phân môn trong chương trình đại học.”

11-11-2020-anh 3.jpg

Với sự hỗ trợ của công nghệ, Phương dần thích ứng và rất chủ động với việc học tập, khám phá tri thức ở môi trường đại học

Không chỉ nỗ lực trong học tập mà trong cuộc sống hàng ngày Phương cũng là một bạn gái rất cởi mở, dễ mến và rất cá tính! Tuy bản thân bị khiếm thị, bố mẹ đều bận công tác xa nhưng Phương luôn cố gắng tự hoàn thành mọi việc với một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Khi tiếp xúc với Phương, mọi người đều bị ấn tượng bởi sự lạc quan, tính cách chan hòa và cách nói chuyện thông minh của cô bạn ham hiểu biết với nhiều niềm đam mê. Từ Phương toát ra một nguồn năng lượng tích cực mà ai cũng dễ dàng cảm nhận được ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.

Phương vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về dự định sắp tới: "Hiện tại mình đang học tiếng Anh và sắp tới sẽ thi IELTS. Mặc dù rất yêu Văn và trước đây từng mơ trở thành nhà văn nhưng sau đó mình lại chọn ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Mình muốn sau này sẽ làm việc cho các tổ chức xã hội hoặc tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ được nhiều người kém may mắn trong cuộc sống như mình hoặc hơn thế nữa”.

11-11-2020-anh 4.jpg

Ma Thị Phương vui vẻ, chan hòa cùng các bạn trong ngôi nhà chung ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Phương chưa bao giờ cảm thấy cô đơn vì bên Phương luôn có người thân chia sẻ. Bước chân vào giảng đường đại học, thầy cô và bạn bè đã luôn yêu thương, quan tâm và tạo điều kiện để Phương dần quen với môi trường học tập mới. Tuy nhập học chưa lâu, nhưng hầu như thầy cô nào cũng biết và đều yêu mến Phương bởi bạn rất hăng hái phát biểu, luôn thể hiện tinh cần cầu thị với một thái độ tự tin và có chính kiến riêng. Phương cũng luôn chủ động trao đổi với thầy cô và nhờ thầy cô hỗ trợ thêm về tài liệu và phương pháp học tập ở môi trường mới. Vào các buổi chiều, mọi người hay nhìn thấy Phương cầm cây gậy cùng một vài bạn đi khắp các không gian trong trường từ nhà Hiệu bộ đến từng khu giảng đường hay lớp học. Các bạn dẫn Phương đi để giúp Phương nhận diện và cảm nhận đặc điểm của từng vị trí. Sau này Phương muốn có thể tự mình đi lại mà không nhất thiết phải có bạn bè hỗ trợ.

Tiến sĩ Lê Thị Ngân, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp (Trường Đại học Khoa học) chia sẻ: “Phương đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi ngay từ buổi học đầu tiên. Không phải bởi đôi mắt của em, mà là sự tự tin của em, nụ cười của em, kiến thức của em, chính kiến của em, khả năng thuyết trình của em trước lớp. Em đã làm tôi và mọi người khi gặp em trân trọng em. Tôi tin là em sẽ đạt được mục đích của mình trước lòng quyết tâm và nghị lực của em”.

11-11-2020-anh 5.jpg

Ma Thị Phương cùng cô giáo TS. Lê Thị Ngân.

Cuộc sống của một sinh viên khiếm thị sẽ còn bộn bề những vất vả, khó khăn nhưng với nghị lực phi thường, niềm lạc quan hiếm có, trái tim chan chứa yêu thương và đặc biệt là sự đồng hành của thầy cô, bạn bè, Phương đang từng bước vượt qua bóng tối để tự khẳng định mình. Mong rằng một ngày không xa ước mơ của Phương sẽ trở thành hiện thực!

Danh Hưng – Kiều An

Lớp Báo chí K18, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên