Dự Hội nghị có PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học; lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm và các thầy cô giáo là điển hình tiên tiến của Nhà trường giai đoạn 2020 – 2025.
Trường Đại học Sư phạm hiện có 435 giảng viên, viên chức và người lao động (trong đó, có 305 giảng viên, giáo viên; có 54 người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, 194 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ trên 63,6%).
Trường đang thực hiện đào tạo 8 chuyên ngành tiến sĩ, 26 chuyên ngành thạc sĩ, 23 CTĐT trình độ đại học hệ chính quy, 13 CTĐT đại học hệ VLVH và 10 chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tổng số người học các hệ đang học tập của Trường trên 16.000 người, trong đó có 57 NCS, 829 học viên cao học và trên 15.000 sinh viên hệ đại học. Trường đã đào tạo gần 100.000 giáo viên, cán bộ quản lý; gần 4000 thạc sỹ, trên 70 tiến sĩ và hơn 500 sinh viên quốc tế.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN phát biểu tại Hội nghị
Giai đoạn 2020 – 2025, trường Đại học Sư phạm đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các nội dung của Luật thi đua khen thưởng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên về công tác thi đua khen thưởng.
Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng tới các đơn vị, cá nhân bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm lan tỏa tới viên chức, người lao động và người học; thông qua việc lồng ghép các nội dung thi đua, khen thưởng vào các chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và các phương tiện truyền thông.
Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng thực hiện rộng rãi trong toàn Trường, tới từng công đoàn viên. Trong đó, Đơn vị thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng là bộ phận nòng cốt, phối hợp với Phòng Hành chính - Tổ chức, văn phòng Công đoàn là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Trường triển khai, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng các cấp, ngành tới các đơn vị, viên chức, người lao động và người học. Tiến hành định kì kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các nội dung về thi đua khen thưởng; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả về công tác thi đua khen thưởng.
Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên tặng hoa chúc mừng Hội nghị
Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 đến nay đã được các bộ phận liên quan gồm Hội đồng trường, Ban thanh tra Nhân dân và Phòng BĐCLGD (bộ phân thanh tra) cùng thực hiện giải quyết kịp thời khi có vấn đề cần thực hiện.
Trong giai đoạn 2025-2030, các phong trào thi đua, khen thưởng của Trường tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Ban Bí thư. Các phong trào thi đua sẽ gắn với việc triển khai Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2024-2030 và tầm nhìn 2045, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên ghi nhận biểu dương những nỗ lực, kết quả và thành tích của tập thể cá nhân, trường Đại học Sư phạm.
Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Giai đoạn 2025-2030 với những yêu cầu mới của xã hội, của nền giáo dục, do đó cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua và khen thưởng. Các phong trào, hoạt động Nhà trường xây dựng cần hướng tới một mô hình trường đại học thông minh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo … Mỗi thầy cô phải là người dẫn đường, phải trở thành một tấm gương để người học noi theo. Bên cạnh đó, Nhà trường cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025
Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quyết định số 452 của Thủ tưởng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045... Đây là tiền đề, là cơ sở để Trường Đại học Sư phạm xây dựng chương trình hành động và phát động các phong trào thi đua cho giai đoạn 2025-2030.
Tại Hội nghị, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025.
Thu Hà - Bảo Ngân