BÀI PHÁT BIỂU
của PGS.TS Ngô Thị Thanh Quý, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm tại Chương trình Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tôn vinh các nhà giáo tại Đại học Thái Nguyên ngày 20/11/2024 tại Trung tâm hội nghị Đại học Thái Nguyên
-----
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh, các đồng chí Lãnh đạo Đại học, các vị Khách quý!
Thưa bạn bè đồng nghiệp và các em sinh viên yêu quý!
Hôm nay, trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc của lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi vô cùng vinh dự được đứng đây, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình. Đối với mỗi người làm việc trong ngành giáo dục, ngày này không chỉ là ngày truyền thống của nghề, mà còn là một cột mốc để chiêm nghiệm lại hành trình “trồng người” của mình.
Niềm vui của tôi hôm nay còn được nhân lên khi đón nhận danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”. Đây là vinh dự lớn lao của cá nhân tôi, đồng thời cũng là sự khẳng định những nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhà giáo trong việc góp phần xây dựng một nền giáo dục vững mạnh.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các bạn đồng nghiệp!
Ngày 20/11, từ Hội nghị quốc tế các nhà giáo tại Vacxava năm 1958 đến khi chính thức được công nhận ở Việt Nam năm 1982, đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và “Hiếu học” của dân tộc. Đó là ngày để tri ân những người thầy đã lặng lẽ cống hiến tri thức, tình yêu thương và niềm tin để vun đắp cho các thế hệ học trò.
Vào mỗi dịp 20/11, khi những bó hoa tươi thắm, những lời tri ân từ học trò rộn ràng khắp ngõ phố, thôn quê, mỗi người làm nghề giáo đều cảm nhận được sự trưởng thành của người học. Giảng đường, lớp học, nơi làm việc của các thầy cô thì tràn đầy tiếng cười nói của học trò như bầy chim ríu rít về sum họp, như “Hạnh phúc đường tiền vô hạn lạc/ Trường xuân hoa hạ hữu dư hương (Hạnh phúc đầy nhà vui khôn xiết/ Xuân tươi hoa nở vẻ thêm hương). Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải bất kỳ nghề nghiệp nào cũng có được.
Nhà văn Nga Pautopxki trong truyện ngắn “Bông hồng vàng ”từng kể về người thợ quyét rác chắt chiu từng hạt bụi vàng để tạo nên bông hồng bằng vàng dành tặng cho người thân yêu, mong mang lại hạnh phúc cho người ấy. Một hình ảnh rất đẹp, nhưng tôi cho rằng sự nghiệp trồng người của nhà giáo còn cao quý hơn thế rất nhiều. Bởi vì, những người thầy – đã chắt chiu từng giọt tri thức, từng giá trị nhân văn để vun đắp cho những mầm xanh tương lai. Từ sự tận tụy ấy, các thế hệ học trò đã trưởng thành, mang theo tri thức và phẩm chất tốt đẹp để làm rạng danh đất nước, quê hương.
Kính thưa các quý vị!
Trong xã hội đầy biến đổi hôm nay, không ít thầy cô đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh lợi ích cá nhân để gieo ánh sáng tri thức đến những vùng sâu, vùng xa. Những thầy cô ấy không chỉ trao tri thức, mà còn lan tỏa niềm tin và khơi nguồn hy vọng. Có thể những công việc ấy của họ còn ít người biết đến, nhưng cứ nhìn vào nụ cười tươi tắn của các em nhỏ, nhìn vào cuộc sống ngày một khởi sắc ở vùng sâu vùng xa, ta biết được ở đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của những người đã gieo ánh sáng văn hóa - đó chính là những nhà giáo yêu quý của chúng ta.
Trong phép biện chứng của cuộc sống, mọi điều chúng ta có thể lý giải được, nhưng phép biện chứng về nhân nghĩa và đức hy sinh, về sự tận tụy của những người thầy chỉ có ai thật sự tận tâm và hết lòng vì nghề mới có thể cắt nghĩa được, bởi nó sẽ bỏ qua với những toan tính, nhỏ nhen, và những khoảng tối của cuộc sống. Nghề trồng người chỉ dung nạp trong nó những cái đẹp thuần khiết rất con người nhưng cũng rất đời thường - đó là cái đẹp mà người ta thường thấy ở nghề giáo và ở những nhà giáo chân chính!
Trong Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “"Nhân lực chất lượng cao chính là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là giải pháp chiến lược của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.”. Điều này đặt lên vai nhà giáo trách nhiệm lớn lao trong việc đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và kỷ nguyên kinh tế tri thức số. Vai trò của người thầy hôm nay không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn phải khơi dậy sự sáng tạo, rèn luyện phẩm chất và năng lực, đào tạo thế hệ trẻ - những người sẽ dẫn dắt đất nước trong tương lai.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, thưa các bạn đồng nghiệp!
Là một giảng viên của Đại học Thái Nguyên – một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam - tôi vô cùng tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người. Đại học Thái Nguyên không chỉ là trung tâm đào tạo lớn, mà còn là nơi hội tụ đội ngũ giảng viên tâm huyết, sáng tạo và giàu năng lực. Chính trong môi trường giàu truyền thống này, tôi và các đồng nghiệp đã có cơ hội học hỏi, cống hiến và trưởng thành.
Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” hôm nay không chỉ là một niềm vinh dự cá nhân mà còn là lời nhắc nhở chúng tôi tiếp tục đổi mới giáo dục đại học, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học để góp phần xây dựng nền tảng Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực cho thế hệ trẻ. Con đường phía trước chắc chắn còn nhiều chông gai, nhưng bước chân của người thầy không bao giờ được phép dừng lại. Bởi lẽ lý tưởng cao đẹp và niềm tin nhân văn sẽ luôn soi sáng hành trình ấy.
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý, cùng toàn thể đồng nghiệp và các em sinh viên!
Trong niềm vui của ngày đặc biệt này, xin cho phép tôi được gửi lời tri ân sâu sắc đến những người Thầy. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh và sinh viên - những người đã đồng hành và ủng hộ chúng tôi, ủng hộ ĐHTN trong suốt chặng đường vừa qua. Chính niềm tin yêu của quý vị sẽ tiếp thêm động lực để chúng tôi không ngừng phấn đấu, cống hiến và hoàn thiện hành trình truyền cảm hứng.
Một lần nữa, tôi xin kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc các bạn sinh viên có những tháng năm thanh xuân thật ý nghĩa tại ĐHTN!
Xin trân trọng cảm ơn!