Đại học Thái Nguyên mời chuyên gia hàng đầu Việt Nam để bồi dưỡng năng lực tiếng Anh

GDVN- Đại học Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng, là đầu tàu xuyên suốt quá trình bồi dưỡng năng lực cho giảng viên, tích cực xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh.

Với mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên Tiếng Anh và giảng viên giảng dạy chuyên ngành về tiếng Anh. Năm 2021, Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực phương pháp giảng dạy cho các giảng viên đại học. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 mà Đại học Thái Nguyên đang thực hiện.

Theo đó, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức 03 lớp đào tạo. Đối tượng tham gia gồm 338 giảng viên tiếng Anh và giảng viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Trong đó, giảng viên tiếng Anh là 89 giảng viên; Giảng viên giảng dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh là 249 giảng viên.

Buổi khai giảng lớp giảng viên tiếng anh của Đại học Thái Nguyên (bên trái là Phó giáo sư Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu khai mạc. Bên phải là Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tham dự và phát biểu)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban đào tạo, Đại học Thái Nguyên cho biết, năm 2021 do tác động phức tạp của đại dịch covid 19, các lớp học đều phải tiến hành qua hình thức online trên nền tảng ứng dụng Zoom. Tuy nhiên với công tác tổ chức chuyên nghiệp, chủ động, thực tế triển khai hoạt động này đã đem lại kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại khu vực.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng anh và nghiệp vụ sư phạm do Đại học Thái Nguyên là các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong đó có cả giảng viên người nước ngoài giảng dạy, tất cả đều tâm huyết – nhiệt tình, nhằm mang đến những buổi học chuyên sâu về kiến thức, ý nghĩa về hoạt động đề ra.

Khóa đào tạo với 2 nội dung chính, bao gồm bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên tiếng anh, các học viên cần phải nắm rõ kiến thức về lớp học đảo ngược, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát triển chương trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trong điều kiện thực tế của dịch bệnh.

Ngoài ra bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên chuyên ngành bằng tiếng Anh gồm kiến thức về chương trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trong điều kiện giảng dạy.

Với quyết tâm cao của tập thể các nhà khoa học, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên sẽ chủ động và tích cực nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần tích thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được đề ra trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam, thực tế, chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc phần lớn vào năng lực của đội ngũ giáo viên. Những đổi mới trong pháp giảng dạy cùng việc nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ giáo viên sẽ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dạy và học tiếng anh tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương có điều kiện khó khăn.

Là một học viên, Dương Hoài An- Giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho rằng, giáo dục ngoại ngữ là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế, tạo nền tảng để phổ cập giáo dục phổ thông vào năm 2025. Tại Quyết định số 2080/QĐ-TTg, Chính phủ đã phê duyệt và điều chỉnh Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025”.

Theo đó, đề án đã đổi mới mục tiêu dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và đã được triển khai ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ. Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, làm việc trong môi trường quốc tế hiệu quả, đòi hỏi các giảng viên Ngoại ngữ bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn phải đáp ứng được tiêu chuẩn, và phải được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ năng lực về ngoại ngữ.

“Đại học Thái Nguyên đóng vai trò rất quan trọng, là đầu tàu xuyên suốt quá trình bồi dưỡng năng lực cho các giảng viên, tích cực xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh, từng bước nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, hướng tới đáp ứng yêu cầu năng lực ngoại ngữ trong bối cảnh mới”, học viên Dương Hoài An nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ về khóa học, học viên là giảng viên Tiếng Anh- Tạ Thị Mai Hương cho rằng, chương trình bồi dưỡng đã đề cập nhiều nội dung giảng dạy mới ở cả Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện cho giảng viên ứng dụng vào thực tế giảng dạy ở từng trường, tránh gây nhàm chán hay nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho sinh viên. Các lớp bồi dưỡng được tổ chức vào dịp cuối năm nên nhiều giảng viên lẫn học viên bận rộn, đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một thời gian ngắn. Đây được đánh giá là điểm yếu nhưng cũng là điểm mạnh, bao gồm cả việc tiết kiệm được thời gian cũng như học viên rèn luyện khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách sớm nhất.

Được biết, khóa đào tạo của Đại học Thái Nguyên với 2 nội dung: Một là “Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư sư phạm cho giảng viên tiếng Anh”. Theo đó, các học viên cần phải nắm chắc kiến thức về lớp học đảo ngược; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá trong điều kiện thực tế của dịch bệnh; Và hai là “Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư sư phạm cho giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh” gồm những kiến thức về mô hình giảng dạy CLIL và EMI, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trong điều kiện thực tế của dịch bệnh.

Hà Anh

Theo giaoduc.net.vn