Hội nghị khoa học Địa lý Châu Á lần thứ V

Ngày 06/9, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Địa lý Châu Á, Viện Địa lý – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học Địa lý Châu Á lần thứ V.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị

Tham dự Hội nghị có GS. TS Yukio Himiyama – Nguyên Chủ tịch Hội Địa lý quốc tế, GS.TS Dahe Qin – Chủ tịch Hội Địa lý Châu Á, GS.TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên,  PGS.TS. Trần Viết Khanh – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Mai Xuân Trường –  Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cùng các đại biểu đến từ gần 20 quốc gia như: Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Azerbaijian, Singapore, Nhật Bản, Kazakhstan, Uzbekistan, Việt Nam…..

Các đại biểu dự Hội nghị

Hội nghị Địa lý Châu Á lần thứ V có chủ đề “Khoa học Địa lý trong Châu Á năng động”, Hội nghị nhằm công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới của các cán bộ trẻ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực địa lý, đồng thời tạo môi trường kết nối và chia sẻ những tri thức mới về khoa học địa lý giữa các nhà khoa học nghiên cứu về địa lý châu Á và trên thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cơ hội để cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên và bạn bè quốc tế trong lĩnh vực Địa lý gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiến thức.

GS.TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã gửi lời chào trân trọng tới các đại biểu tham dự Hội nghị. PGS.TS Hoàng Văn Hùng cũng cảm ơn sự tin tưởng của Hội Địa lý Châu Á, Viện Địa lý – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam đã tin tưởng và giao cho Đại học Thái Nguyên vinh dự là nơi tổ chức Hội nghị. Là một trong ba Đại học Vùng của Việt Nam, sau 28 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã và đang khẳng định tốt vai trò của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tư vấn chính sách cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị  

 Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, viết bài tham dự của các nhà khoa học với 156 bài viết của các tác giả đến từ gần 20 quốc gia. Những bài viết có chất lượng sau quá trình phản biện được đăng trong Kỉ yếu Hội nghị do Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên xuất bản có mã số ISBN.

Tại phiên toàn thể, 6 báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo như: “Địa lý trong phát triển bền vững”; “Tiếp cận chăm sóc sức khỏe  đối với người già ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam? Khoảng cách du lịch có phải là vấn đề”;  “Thách thức trong môi trường địa lý: Thoái hóa đất và chính sách bảo tồn khu vực Himalaya - Ấn Độ”; “Biến động lớp phủ ở Hủa Phăn (Lào) và Sơn La (Việt Nam) từ 1990 – 2020”; “Xu thế biến động cảnh quan ở khu vực văn hóa An Đông – Hàn Quốc”; “Tiếp cận cơ sở dữ liệu trong quá trình hỗ trợ ra quyết định”.

Kết thúc phiên toàn thể, trong ngày 06-09/9, Hội thảo sẽ được chia làm 7 tiểu ban để báo cáo về các nội dung của Hội thảo như: Các khía cạnh địa lý và phát triển bền vững; Xã hội hóa và di cư; Đô thị hóa và tương lai phát triển của các nước Châu Á; Hệ sinh thái và biến đổi khí hậu; Tai biến thiên nhiên và viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS); Địa lý văn hóa và du lịch; Địa lý kinh tế./.

Thanh Loan – TNU Media