Hội thảo triển khai thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg và Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP

Ngày 02/11/2022, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030 và Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Bộ GD&ĐT và trực tuyến qua các điểm cầu ở các địa phương, các đại học và trường đại học. TS. Ngô Thị Minh – Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị.

2-11-2022-TH6-2.jpg

Các đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu (ảnh chụp màn hình)

Dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo UBND các tỉnh, Sở GD&ĐT, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Trà Vinh. Về phía Đại học Thái Nguyên có đại diện Ban Giám đốc; đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo, Ban Công tác học sinh sinh viên và các trường đại học thành viên.

Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện Chương trình, kế hoạch triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học; những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục dân tộc năm học 2022 -2023. Đồng thời, trao đổi kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nội dung Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 phê duyệt chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030.

Các đại biểu đã trao đổi về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, những khó khăn vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện chương trình, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục dân tộc năm học 2022 – 2023.

Trong báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người, báo cáo  đã xây dựng trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi về Bộ GDĐT, trong đó có 22 tỉnh có trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người, báo cáo của 312 trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các đợt khảo sát thực tế tại một số địa phương. Theo đó, công tác triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp giai đoạn 2017-2022, trên toàn quốc đã có 43 cơ sở đại học, cao đẳng, trung cấp có sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người theo học và thực hiện chính sách theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP. Trong đó, một số cơ sở đại học có đông học sinh dân tộc thiểu số rất ít người theo học như: các trường thành viên trực thuộc Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các trường thành viên trực thuộc Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Hàng Hải…

2-11-2022-TH6-1.jpg

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đại học Thái Nguyên

Các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm, cao đẳng nghề, trung cấp nghề đã ban hành quy trình phổ biến, tiếp nhận, xét duyệt và chi trả đối với học viên, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người đang theo học tại trường. Việc thực hiện được các trường công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người học. Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học đại học, cao đẳng, trung cấp, dự bị đại học được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/người/tháng. Trong 5 năm qua các trường đã chi trả hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người là 7.466.307.000 đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá hiệu quả và những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP và định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định.

Kết luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Minh – Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các đại học, trường đại học cần tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số rất ít người; Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác truyền thông tình hình thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP và các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thu Hà


Thống kê truy cập

Đang online: 2
Hôm nay: 1.078
Năm 2025: 69.062
Tất cả: 174.317
Zalo