Nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên

Ngày 16/12/2021, tại Thái Nguyên, Ban Thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào tại tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, năm 2021”.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Hội thảo có ông Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông – Đại sứ Lào tại Việt Nam; ông Trần Văn Túy – Chủ tịch TW Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào; PGS. TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện Hội Hữu Nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên, đại diện các trường đại học, cao đẳng tại Thái Nguyên có đào tạo lưu học sinh Lào.

Hội thảo là diễn đàn gắn lý luận với thực tế để các nhà lãnh đạo, quản lý, giáo viên của các trường đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào công bố kết quả nghiên cứu, tổng kết, các đề tài, bài tham luận trong lĩnh vực đào tạo và quản lý LHS Lào, tạo cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các trường, giáo viên, sinh viên, các nhà quản lý về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý LHS Lào.

Các đại biểu dự Hội thảo

Đây cũng là dịp các đại biểu đề xuất những giải pháp, kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng phục vụ cho công tác đào tạo và quản lý liên quan đến quyền lợi của LHS Lào đang học tập tại Thái Nguyên. Đồng thời góp phần thực hiện thành công Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu xuyên suốt giai đoạn 2021 - 2030 là tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào.

Ông Trần Văn Túy cho biết: "Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc chúng ta. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, tác động mạnh tới Việt Nam và Lào thì việc gìn giữ, phát huy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước là mệnh lệnh của trái tim và trách nhiệm cao cả của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Những năm gần đây khi mà cả hai nước chúng ta cùng ra sức đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thì sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, nhất là sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đã, đang và sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng".

Ông Trần Văn Túy - Chủ tịch TW Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông, Đại sứ Lào tại Việt Nam cho biết trong thời gian tới, ông mong muốn các bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý LHS Lào tốt hơn. Đại sứ chia sẻ: Muốn nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý, yếu tố đầu vào là quan trọng. Trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh tổ chức việc học - giảng dạy tiếng Việt ít nhất 4 tháng cho LHS Lào đi theo diện tự túc, học bổng hợp tác, học bổng dự án ở Việt Nam. Khả năng sử dụng tiếng Việt là trở ngại lớn nhất đối với việc học tập của LHS Lào để tiếp thu kiến thức chuyên môn, khoa học và kỹ năng từ các thầy cô, chuyên gia. Các bộ phận liên quan của Lào sẽ điều chỉnh lại tiêu chuẩn tuyển chọn và đưa LHS Lào sang Việt Nam học tập theo tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam. Vì ngoài trình độ tiếng Việt, LHS Lào còn có những trở ngại như: trình độ văn hóa phổ thông có sự chênh lệch với sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, việc tuyển chọn sinh viên cũng nên cần quan tâm thêm đến tư tưởng và đạo đức.

Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông, Đại sứ Lào tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đại sứ đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy thêm tiếng Việt và trình độ chuyên môn cho LHS Lào đối với những em có trình độ tiếng Việt chưa tốt và đề nghị các cơ sở giáo dục tổng kết báo cáo hoạt động và thành tích học tập của LHS Lào tới Đại sứ quán Lào vào cuối tháng 6 và tháng 12 hằng năm. Đồng thời các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm chính sách, nội quy, quy chế đối với LHS Lào.

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: “Với vị thế của một đại học vùng, đại học trọng điểm của Việt Nam và là trung tâm đào tạo và nghiên cứu của vùng Đông Bắc Việt Nam, với truyền thống có bề dày lịch sử với những kết quả đã đạt được trong hoạt động hợp tác đào tạo với CHDCND Lào, với với vai trò là thành viên quan trọng của Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác nói chung và quan hệ hợp tác trong giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ giữa hai nước Việt Nam - Lào"./.

PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.700 LHS Lào đang học tập tại 11 trường, trong đó có 9 trường Đại học, 1 trường Cao đẳng (Thái Nguyên) và Trường Văn hóa, thuộc Bộ Công an. Từ khi có Đại học Thái Nguyên và các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Thái Nguyên trở thành một trong các Trung tâm giáo dục - đào tạo Quốc gia, LHS Lào sang Thái Nguyên học tập ngày càng đông. Có năm lên đến trên 2.000 học sinh, sinh viên bao gồm cả 4 hệ đào tạo: Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học và sau đại học.

 

 

Thanh Loan – TNU Media


39366_18-12-2021-anh_1_34faa89.jpg , 39366_18-12-2021-anh_2_e56e6.jpg , 39366_18-12-2021-anh_3_b05a6.jpg , 39366_18-12-2021-anh_4_67d42.jpg , 39366_18-12-2021-anh_5_b46eb.jpg

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 1.083
Năm 2025: 69.067
Tất cả: 174.322
Zalo