Tin đại học Thái Nguyên

Đại học Thái Nguyên quy mô đào tạo năm 2024 đạt trên 81 nghìn người học

Ngày 20/12, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác tuyển sinh, công tác đào tạo, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục (KT&ĐBCLGD) năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025. PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Đào tạo và Quản lý người học; đại diện lãnh đạo Văn phòng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, đại diện lãnh đạo các ban chức năng, đại diện lãnh đạo Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Số, Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Đại diện lãnh đạo đơn vị; đại diện lãnh đạo phòng/bộ phận đào tạo, trung tâm tuyển sinh; đại diện lãnh đạo phòng/bộ phận khảo thí, đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường đại học, cao đẳng thành viên, Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế; Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN chủ trì Hội nghị

Năm 2024, ĐHTN tiếp tục thực hiện tuyển sinh chung toàn Đại học có sự phân cấp hợp lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo (CSĐT) thành viên; đảm bảo đúng “Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Năm 2024, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học đại học, cao đẳng hệ chính quy vào ĐHTN là 17.246 sinh viên (tăng 4.057 sinh viên so với năm 2023); trong đó có 16.021 sinh viên hệ đại học: (đạt 90,66% so với chỉ tiêu), 1.225 sinh viên hệ cao đẳng (đạt 109,08 % so với chỉ tiêu). Các CSĐT tuyển sinh đạt tỉ lệ cao so với năm 2023, cụ thể: Trường Đại học Y - Dược: 1.557 sinh viên, Trường Đại học Khoa học: 2.641 sinh viên, Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông: 2.984 sinh viên đại học chính quy...

PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Ban ĐT&QLNH báo cáo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, công tác khảo thí tại các đơn vị thuộc ĐHTN được triển khai theo kế hoạch, bao gồm các hoạt động xây dựng, rà soát ngân hàng đề thi, câu hỏi thi; tổ chức thi, chấm thi, nhập điểm; đánh giá chất lượng câu hỏi thi và đề thi. Các hình thức kiểm tra, đánh giá đa dạng bao gồm hình thức thi tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, thực hành. Tính đến nay, toàn ĐHTN có 4.882/5.727 học phần có ngân hàng đề thi/ câu hỏi thi (bao gồm đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng chính quy, giáo dục thường xuyên) đạt 85,2%. Các đơn vị đã rà soát, bổ sung, thay mới cho 3.015 học phần. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác phúc khảo bài thi....

PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm phát biểu tại Hội nghị

Với kết quả đạt được, năm 2025, ĐHTN tiếp tục hỗ trợ các CSĐT thống nhất xây dựng phương thức tuyển sinh trình độ đại học phù hợp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ công tác tuyển sinh; hỗ trợ các CSĐT trong công tác quảng bá tuyển sinh, truyền thông, quảng bá hình ảnh của ĐHTN thông qua các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa các hình thức quảng bá tuyển sinh nhằm thu hút thí sinh đăng ký dự tuyển; tổ chức điểm thi của kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT); hỗ trợ các phân hiệu trong hoạt động xét tuyển lọc ảo và tổ chức hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh giữa các CSĐT trong ĐHTN.

Đồng thời, phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm trình độ đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế; phát triển các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành và các ngành khoa học cơ bản; tiếp tục phát triển các chuyên ngành đào tạo nền tảng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; tăng tính liên thông giữa các ngành đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo; phát triển hệ sinh thái giáo dục đại học theo hướng hiện đại, dân chủ, sáng tạo, cá nhân hóa, học tập suốt đời và phát triển toàn diện người học; đẩy mạnh phát triển chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”; xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của ĐHTN đối với các khối ngành/lĩnh vực phù hợp với đặc thù, thế mạnh và sứ mạng của ĐHTN; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đầy đủ các chỉ số ở mức đáp ứng tốt trong bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học; phát triển hệ sinh thái giáo dục số, hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; thí điểm triển khai mô hình đào tạo trực tuyến các học phần chung theo chuẩn chương trình đào tạo của ĐHTN...

Thu Hà - Bảo Ngân