Tin Đại học Thái Nguyên

Giám đốc Đại học Thái Nguyên làm việc với Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học: Định hướng phát triển bền vững ngành đào tạo môi trường

Ngày 15/7, PGS.TS. Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học để nắm bắt tình hình hoạt động, lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của đơn vị và định hướng phát triển trong thời gian tới.

PGS.TS. Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự buổi làm việc có TS. Nguyễn Hồng Liên, Phó Giám đốc Đại học, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Công nghệ mới, Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Hợp tác quốc tế; lãnh đạo Trường Đại học Khoa học và toàn bộ cán bộ, giảng viên khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học.

Tại buổi làm việc, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo khái quát quá trình xây dựng và phát triển từ năm 2004 đến nay. Là một trong những đơn vị thành lập đầu tiên của Trường Đại học Khoa học, Khoa hiện đang đào tạo 2 ngành đại học, 1 chương trình thạc sĩ và 1 chương trình tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học môi trường và quản lý tài nguyên. Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã đào tạo gần 2.000 cử nhân, 350 thạc sĩ và đang có 7 nghiên cứu sinh đang theo học.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học phát biểu tại buổi làm việc

Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng với nhiều đề tài cấp quốc tế, quốc gia, Bộ và địa phương; hơn 60 bài báo công bố trên tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus cùng hàng trăm công trình trong nước; nhóm nghiên cứu “Sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” được công nhận là 1 trong 6 nhóm nghiên cứu mạnh của Trường.

Tuy nhiên, Khoa cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là việc tuyển sinh hệ đại học và sau đại học sụt giảm; tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sĩ, PGS còn hạn chế; phòng thí nghiệm chưa hoạt động trở lại gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu; hoạt động chuyển giao công nghệ và kết nối doanh nghiệp còn khiêm tốn…

TS. Kiều Quốc Lập - Trưởng khoa TN&MT, Trường Đại học Khoa học báo cáo tại buổi làm việc

Trên cơ sở đó, Khoa đã đề xuất với Đại học Thái Nguyên một số nội dung hỗ trợ như: tăng cường truyền thông tuyển sinh, đặc biệt ở bậc sau đại học; cho phép thí điểm mô hình đào tạo ứng dụng, đào tạo gắn với thực tiễn; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nền tảng chuyển đổi số trong đào tạo, nghiên cứu.

Cán bộ giảng viên Khoa TN&MT, Trường Đại học Khoa học phát biểu đề xuất tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Khoa Tài nguyên và Môi trường trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phục vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giám đốc nhấn mạnh, phát triển các ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế. Đại học Thái Nguyên cam kết đồng hành, hỗ trợ Khoa đổi mới đào tạo, mở rộng hợp tác và nâng cao năng lực nghiên cứu – chuyển giao; đồng thời đề nghị Khoa cần chủ động hơn trong xây dựng thương hiệu, phát triển đội ngũ, phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác để khẳng định vị thế là đơn vị mũi nhọn của Trường Đại học Khoa học trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Lãnh đạo ĐHTN chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Đại học Khoa học và cán bộ giảng viên Khoa Tài nguyên và Môi trường

Về định hướng, Đại học Thái Nguyên sẽ phối hợp với Nhà trường quy hoạch không gian phát triển, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng, đầu tư phòng thí nghiệm, nâng cấp thiết bị, thúc đẩy nghiên cứu và mở rộng hợp tác; bên cạnh đó, chỉ đạo điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo, phát triển các ngành mới, nhất là sau đại học giảng dạy bằng tiếng Anh theo hướng liên ngành.

Giám đốc cũng đề nghị Khoa Tài nguyên và Môi trường xây dựng lại đề án tuyển sinh, tăng cường truyền thông, đẩy mạnh biên soạn giáo trình, hoàn thiện bài giảng và bộ công cụ giảng dạy. Đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, công nghệ khí hậu, kinh tế môi trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Thu Hà


Thống kê truy cập

Đang online: 1
Lượt truy cập hôm nay: 1.062
Năm 2025: 379.146
Tổng số lượt truy cập: 484.401
Zalo