Tin Đại học Thái Nguyên

Khuyến học xanh - Tiền đề lí luận

                                                                                                                                                                                  GS.TS Phạm Hồng Quang

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành KHGD

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên

1.  Đặt vấn đề

- Chính phủ có những định hướng chiến lược và giao nhiệm vụ cho các Bộ/ngành, trong đó nhiệm vụ (9) của ngành Giáo dục là “Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh vào hoạt động giáo dục ở các cấp học; nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về vai trò, ý nghĩa và định hướng hoạt động thực hiện tăng trưởng xanh, tăng cường phổi hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội để hình thành phong cách, ý thức sống xanh trong nhà trường và xã hội”.

- Mục tiêu của giáo dục là “Phát triển toàn diện con người Việt Nam…(điều 2, Luật Giáo dục, 2019) đã có bước chuyển biến mới từ Luật cũ 2005 là “đào tạo con người toàn diện”. Tiếp cận từ khoa học giáo dục, đã xác định yếu tố môi trường quyết định quá trình hình thành nhân cách con người. Do vậy, muốn thực hiện được mục tiêu cụ thể của chiến lược “xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững” thì cần tiếp cận môi trường giáo dục xanh với cách nhìn, quan điểm và tổ chức thực hiện từ cách hiểu trường học xanh, môi trường giáo dục -căn cứ pháp lí và những ý tưởng cần có của trường đại học về giáo dục xanh.

- Quy luật ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến sự vật hiện tượng được phản ánh qua câu tục ngữ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” và “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, song cần tiếp cận theo hướng tích cực, chủ động, sự vươn dậy mạnh mẽ như hình ảnh hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

- Quan điểm Phật giáo cho rằng “hãy đến với thiên nhiên như loài ong hút mật mà không làm tổn hại đến hoa” với hàm ý sâu sắc về cách tiếp cận giữa con người với thiên nhiên vừa tôn trọng quy luật, cộng sinh môi trường và con người. Chúng ta cần có cách nhìn khoa học về đối tượng chính cần tác động là “môi trường giáo dục” và “giáo dục môi trường” là 2 phạm trù cần sự kết nối bởi thành tố giáo dục với công cụ mạnh là IoT và AI. Nhìn vấn đề môi trường rộng hơn và kết nối hơn để thấy sự tương tác giữa các phát minh với các vấn đề xã hội.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên 

tham luận tại Hội thảo Khuyến học xanh do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức

  1. Cơ sở lí luận, căn cứ pháp lí của môi trường giáo dục (5 vấn đề)

- Môi trường quyết định sự phát triển nhân cách con người. Môi trường giáo dục đại học quyết định đến phẩm chất và năng lực người chuyên gia.

- Lí luận giáo dục đã chứng minh kết quả, hiệu quả của giáo dục là lâu dài, phụ thuộc vào môi trường và sự tôn trọng quy luật phát triển của con người trong đó. Chất lượng và mức độ thành công nhanh hay chậm phụ thuộc vào hệ thống giáo dục được thiết kế chủ động hay bị động. Năng lực phát triển chương trình của người giáo viên trong môi trường số sẽ luôn đảm nhận được vị thế là người quyết định chất lượng giáo dục. Đây cũng là bí quyết để người giáo viên không bị AI thay thế.

-  Môi trường giáo dục đại học có thể làm thay đổi chất lượng con người trong chu trình (đầu vào I, quá trình P, đầu ra O). Với người điểm chuẩn thấp, nếu họ được trải nghiệm trong môi trường sáng tạo, có thể trở thành người có ích cho xã hội không kém gì người có điểm chuẩn cao. Đây là kết quả quan trọng nhằm duy trì công bằng giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người trong quan hệ giữa môi trường và con người.

- Thiết kế không gian sáng tạo với sự đa dạng văn hoá và thân thiện. Không gian- môi trường làm việc thoải mái và thuận tiện, thu hút các giác quan và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc; đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường với thiên nhiên và cây xanh (Parklife) áp dụng cách làm việc kết hợp, linh hoạt, bền vững và cởi mở.

- Trong môi trường số, cần tăng tốc độ nhưng tránh vội vàng và chệch hướng, tránh hậu quả khôn lường (chất lượng kém), tránh “kĩ thuật hoá” giáo dục trong ĐMST, cần tránh “tác dụng phụ” của xã hội số khi đi tắt, nhận thức nông cạn khi tiếp nhận thông tin, làm suy giảm văn hóa đọc, học vấn nền tảng bị xem nhẹ.

- Môi trường giáo dục đại học còn phải là nơi lan tỏa các giá trị mới, văn hóa đại học cần tạo ra 3 năng lực lõi cho người học: sáng tạo trên nền học vấn rộng, ngoại ngữ trên nền văn hóa toàn cầu và công nghệ trên nền tảng đạo đức. Như vậy, môi trường giáo dục đại học hấp thụ các giá trị tinh hoa, phải là một đầu tầu ĐMST là hệ sinh thái giáo dục; phải tạo nền tảng khoa học để dẫn dắt sự phát triển, phục vụ mục tiêu đưa đất nước vượt ra khỏi hiện tại từ nguồn lực người chất lượng cao.

  1. Phát triển môi trường giáo dục xanh từ các trường đại học

3.1. Khái niệm "Giáo dục xanh". Giáo dục xanh (Green Education) không đơn thuần là cơ sở vật chất – kỹ thuật hoặc chương trình đào tạo của nền giáo dục được xanh hoá, mà là một nền giáo dục với tư cách là một mô hình giáo dục hiện đại vì mục tiêu phát triển bền vững (Education for Sustainable Development – ESD). Giáo dục xanh phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị và quan điểm để đào tạo ra những thế hệ có những năng lực đóng góp cho sự phát triển các mô hình sống bền vững hơn…Giáo dục xanh không chỉ là một sự lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, sự nghèo đói, những tiêu dùng làm kiệt quệ tài nguyên, mà quan trọng hơn là nó làm chuyển đổi cách thức dạy và học, chuyển cách học tập truyền thống sang cách học hiện đại, giúp người học tự định hướng học tập và có năng lực sáng tạo trong việc tương tác với thế giới bên ngoài bằng lối tư duy tăng trưởng của mình.

3.2. Mục tiêu của giáo dục xanh, gồm (i) Phát huy những năng lực cho học sinh, sinh viên và học viên người lớn để họ trở thành những lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế xanh, xã hội xanh và môi trường sinh thái xanh phát triển bền vững. (ii) Xây dựng hệ thống trường học xanh, sống gần gũi với thiên nhiên, triển khai các chương trình giáo dục xanh với những lớp học thông minh, thay thế hệ thống trường học truyền thống. (iii) Phát triển hệ thống giáo dục theo triết lý "Con người sống gần với thiên nhiên, ứng xử đúng mực với Trái đất". Vấn đề đặt ra là giáo dục xanh nên bắt đầu từ đâu? Phải chăng từ giáo dục lối sống: cần, kiệm? hay tiết giảm nhu cầu? hoặc theo đuổi mục tiêu “chất lượng” (để không phải làm lại từ đầu) hoặc tiêu dùng xanh, vừa đủ, chia sẻ, tận dụng “cuộc sống giáo dục”, tiết kiệm năng lượng qua chuyển đối số? Cần thiết đặt ra các câu hỏi trên khi đặt ra vấn đề lớn hơn: chúng ta đang tạm ứng của tương lai những gì, trong khi chúng ta đang lãng phí thức ăn chiếm gần 2% GDP nội địa?

3.3. Giải pháp hiệu quả cho chiến lược giáo dục xanh

i) Cần đề xuất những giải pháp từ ý tưởng “không bình thường”, cụ thể như: hãy dùng xe đạp khi đi làm; hãy mặc hết số trang phục đang có đến khi nó hỏng; gọi món đãi khách 3 người cho 5 người ăn; hạn chế mỹ phẩm và chất tẩy rửa…!

ii) Sử dụng biện pháp mạnh như“tấn công não”(Brainstorming), gây tác động mạnh, ví dụ như đặt bình nước thải dẫn theo quy trình ra cốc cốc nước sạch (rút gọn chu trình tạo nước sạch) để tăng cường nhận thức giá trị về nước.

iii) Giải pháp chiến lược từ 17 mục tiêu phát triển bền vững, cần giáo dục tiết kiệm, tiêu dùng tránh hoang phí, xa hoa, hình thức, nặng vật chất…để giảm đầu vào, giảm đầu ra trong chu trình IPO trong lối sống của con người hiện đại. Ví dụ, tranh luận dùng ống hút nhựa hay ống hút tre…thì giải pháp tối ưu là “không dùng”.

iv) Giải pháp vĩ mô từ chất lượng giáo dục. Môi trường xanh cần được tiếp cận rộng hơn không chỉ là hành vi trồng cây xanh trong trường học, không chỉ là hạn chế sử dụng nhựa, hạn chế năng lượng, giảm phát thải, lối sống tiết kiệm của giảng viên và sinh viên…mà điều quan trọng hơn là phải tạo ra một thế hệ được giáo dục, làm việc và có trách nhiệm dẫn dắt các thế hệ tiếp nối với môi trường xanh, số. Có thể ví như hình ảnh trồng cây xanh trên sa mạc cần loài cây có bộ rễ sâu và dài, còn giáo dục xanh cần thay đổi thói quen, lối sống xanh của nhiều thế hệ. Điều này có thể sẽ gặp phản ứng xung đột giữa tăng trưởng kinh tế với giảm tiết nhu cầu, giữa kích hoạt mua sắm với hạn chế tiêu dùng…Tuy nhiên, cần giải pháp đồng bộ, cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với lối sống xanh, là nền tảng để ngăn chặn lối sống tham lam, sống gấp, bất chấp các quan hệ đạo đức, luân lý, giá trị nhân văn truyền thống, để chống lại ý thức phi nhân tính, phản nhân văn đối với truyền thống đạo lý của dân tộc.

(v) Các xu hướng cần tiếp tục nghiên cứu từ trường đại học như:

-Bổ sung chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo về tiêu chí xanh trong năng lực, phẩm chất người tốt nghiệp (lối sống, hành vi, thái độ, ý thức trách nhiệm về giáo dục xanh); bổ sung tiêu chuẩn xanh trong kiểm định chất lượng nhà trường.

-Chương trình hành động của nhà trường về giáo dục xanh, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách của nhà trường cho địa phương trong phục vụ cộng đồng.

-Phân tích định lượng về giá trị năng lực số của người học để đánh giá hiệu suất tiết kiệm trong hoạt động giáo dục. Ví dụ cần nghiên cứu hiệu suất trong dạy học (đo bằng thời gian, nguồn lực), trong NCKH đo hiệu quả của đầu tư số (1 lần, đúng ngay từ đầu, ít rủi ro và không phải làm lại nhiều lần), tiết kiệm hiệu quả từ đầu tư cho môi trường xanh, mở rộng không gian vật chất mới, linh hoạt và tạo ra giá trị xanh.

-Mô hình “kinh tế vừa đủ” trong chuỗi giá trị xanh. Mục tiêu đặt giá trị xanh cao hơn giá trị GDP ở nơi có khả năng bán tín chỉ cac-bon khi đặt trong hệ thống tăng trưởng chung.

-Muốn có giáo dục xanh, phải gắn với giáo dục số để phát triển bền vững; trường đại học cần chắc chắn về thể chế, xanh và số gắn chặt với đổi mới sáng tạo; đầu ra là nhân cách chuyên gia cần những chỉ số năng lực mới; mục tiêu cao nhất là phục vụ cộng đồng, do vậy, coi trọng tấm gương, tạo động lực cống hiến, hướng về tương lai với sứ mệnh dẫn dắt. Trường đại học phải luôn suy nghĩ dẫn đầu, chủ động hấp thụ ý tưởng tiến bộ, sản sinh ra ý tưởng mới, và để bền vững thì phải tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng, đất nước và nhân loại.

  1. Khuyến học xanh là gì?

- Giáo dục là gì? Là quá trình dẫn con người vượt ra khỏi bản thân họ để vươn tới sự hoàn thiện hơn, tốt lành hơn, hạnh phúc hơn…Học nhằm mục đích gì? Học là quá trình tự thay đổi bản thân, sự hoàn thiện bản thân với mục tiêu cao nhất: “học để làm người” hay 4 trụ cột của học tập của UNESCO “Học để biết, học để làm, học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống”.

- Khuyến học xanh định hướng những nội dung học tập suốt đời vào việc bảo vệ môi trường, tạo ra sự công bằng cho mọi công dân về mặt sinh thái, giúp cho mọi cá nhân và cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ tương lai con người trước những nguy cơ suy thoái của môi trường sống. Như vậy, kết quả của khuyến học xanh chính là: nhận thức, thái độ, hành vi thói quen xanh được khuyến khích, được đề cao, được trân trọng, được tôn vinh…bởi nó tạo giá trị mới, phẩm chất mới và năng lực mới của công dân hiện đại.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Tất Dong -Giáo dục xanh -chiến lược toàn cầu- Công dân và Khuyến học, 2024.
  2. Phạm Tất Dong -Phát triển khuyến học xanh trong nền giáo dục xanh (Bài 1), 2025.
  3. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về chỉ số lãng phí thực phẩm- Nguồn VTV.vn, 2024.
  4. Phạm Hồng Quang -Môi trường giáo dục, NXB Giáo dục, 2006.
  5. Nguyễn Danh Nam, Phạm Hồng Quang, Trần Nguyệt Quế (2024)- Quan niệm về hệ sinh thái giáo dục số trong các trường đại học ở Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, ISSN 2354-0753, tập 24.
  6. Phạm Hồng Quang (2024) -Giáo dục đại học trong chiến lược phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục 2023 “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Phạm Hồng Quang (2024)-Phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.  Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về Khoa học giáo dục năm 2024, NXB Đại học Vinh.

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Lượt truy cập hôm nay: 566
Năm 2025: 225.765
Tổng số lượt truy cập: 331.020
Zalo