Ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức toạ đàm lấy ý kiến dự thảo báo cáo nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các nhóm ngành/lĩnh vực”.
Tham dự toạ đàm có lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; lãnh đạo Văn phòng, Ban ĐT&QLNH; Đại diện Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo, bồi dưỡng 05 ngành nhóm ngành lĩnh vực: sức khỏe, công nghệ thông tin, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng và đào tạo giáo viên. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Toạ đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm mục tiêu nhìn nhận quá trình đã triển khai đề án. Thông qua toạ đàm, Bộ Giáo dục và đào tạo kỳ vọng sẽ có được nguồn lực phù hợp để triển khai các nội dung của đề án một cách khả thi và đồng bộ, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi. PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ mong muốn các nhà khoa học, các thầy cô tích cực trao đổi, thảo luận để hoàn thiện hơn dự thảo.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên thông tin: Người dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời của đất nước, đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo tồn văn hóa, xây dựng phát triển bền vững và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đề xuất xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số" trong các ngành/ nhóm ngành/ lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Đào tạo giáo viên là rất quan trọng và thiết thực.
Đề án này sẽ là nền tảng, để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN phát biểu
Đối với Đại học Thái Nguyên, trong 30 năm qua, ĐHTN đã cung cấp cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đất nước trên 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, với gần 33.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 268 cán bộ có trình độ tiến sĩ, trên 2.600 bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II và 122 bác sĩ nội trú. Trong đó có trên 30% là người dân tộc thiểu số, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Điều này thể hiện vị trí và vai trò của ĐHTN trong việc góp phần vào sự phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng, đất nước nói chung và vùng DTTS nói riêng.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng khẳng định: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số” không chỉ là một chương trình, mà là một chiến lược dài hạn nhằm phát triển bền vững cộng đồng dân tộc thiểu số.
Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm
Các ngành nghề mà đề án hướng đến như Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng và Đào tạo giáo viên đều có nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trong những lĩnh vực này không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các vùng khó khăn, tạo cơ hội học tập và việc làm cho thế hệ tương lai. Đề án cũng sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức tham gia trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương và các tổ chức liên quan tại địa phương có cơ sở pháp lý và nguồn kinh phí để cùng phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; nâng cao chất lượng nhân lực hướng tới tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại toạ đàm các đại biểu trao đổi thảo luận về thực trạng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS; Dự báo nhu cầu nhân lực trong 5 nhóm ngành và nhu cầu đào tạo đối với người DTTS giai đoạn 2025- 2030; Quan điểm phát triển nguồn nhân lực DTTS.
Thu Hà - Bảo Ngân