Tin tức & Sự kiện

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên: Dấu ấn nhiệm kỳ 2020 - 2025 và khát vọng vươn xa trong chặng đường phát triển mới

Nhiệm kỳ Đảng bộ Đại học Thái Nguyên 2020 - 2025 khép lại trong bối cảnh toàn ngành giáo dục - đào tạo đang chuyển mình mạnh mẽ trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với vai trò là đại học vùng trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đại học Thái Nguyên đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong hành trình 5 năm vừa qua.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên, giảng viên và người học, Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới  - nhiệm kỳ 2025-2030.

Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Đại học Thái Nguyên và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

Dấu ấn từ đổi mới quản trị đến phát triển toàn diện

Ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ 8 đề án lớn, cụ thể hóa các mục tiêu nghị quyết thành hành động thực tiễn. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng toàn diện trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, với hơn 10.000 lượt cán bộ, viên chức, người lao động và người học tham gia học tập nghị quyết, quán triệt đường lối, chủ trương mới của Đảng. Việc triển khai hiệu quả các chỉ thị, kết luận quan trọng như Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05, Kết luận 01-KL/TW... đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. So với năm 2020, toàn Đại học đã giảm 15% đầu mối đơn vị. Phát triển đội ngũ có bước tiến nhanh, chất lượng đội ngũ được nâng cao với tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 41,4% (hơn 1000 giảng viên có trình độ tiến sĩ); 7,61% đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư (gần 200 giảng viên là giáo sư, phó giáo sư).

Chất lượng đào tạo tiếp tục được khẳng định. Đại học Thái Nguyên đã mở mới 46 ngành đào tạo (28 đại học, 7 thạc sĩ, 11 tiến sĩ), phát triển hàng chục chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế. Quy mô tuyển sinh duy trì ổn định từ 14.000 - 16.000 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%. 3.684 giáo trình và 791 bài giảng E-Learning đã được số hóa, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo. Các chỉ số kiểm định chất lượng, xếp hạng theo chuẩn khu vực như AUN-QA được chú trọng và từng bước nâng cao.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm quan các gian hàng KHCN tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định thành lập ĐHTN

 và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế: Gắn kết thực tiễn, mở rộng hội nhập

Với phương châm “nghiên cứu từ thực tiễn, phục vụ phát triển địa phương và vùng”, công tác khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức của Đại học Thái Nguyên đạt nhiều bước tiến. Trong 5 năm, toàn Đại học công bố hơn 2.100 bài báo quốc tế thuộc danh mục WOS/Scopus, triển khai 90 đề tài cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp bộ, tỉnh và các dự án hợp tác với doanh nghiệp.

Hoạt động chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh tại 15 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, tạo ra những mô hình hiệu quả trong nông nghiệp, y tế, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo. Các trung tâm ươm tạo, doanh nghiệp khoa học và nhóm nghiên cứu mạnh ngày càng phát huy vai trò kết nối nghiên cứu – đào tạo – sản xuất. Thu nhập từ hợp tác nghiên cứu khoa học đạt hàng triệu USD, góp phần gia tăng nguồn lực đầu tư cho giảng dạy và học tập.

Trong hợp tác quốc tế, Đại học Thái Nguyên đã triển khai trên 30 dự án quốc tế, duy trì gần 30 chương trình liên kết đào tạo với nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp... Đồng thời thu hút hơn 4.000 lượt giảng viên, sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi và thực tập chuyên môn.

Khởi công dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021 - 2025

Phát huy vai trò đại học vùng, đóng góp cho sự phát triển khu vực

Một trong những dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ qua là việc Đại học Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng trung du và miền núi phía Bắc. Gần 80% sinh viên tốt nghiệp của Đại học là người vùng núi phía Bắc, trong đó nhiều người dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Hai phân hiệu tại Lào Cai và Hà Giang hoạt động hiệu quả, tuyển sinh trên 1.000 sinh viên mỗi năm, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đại học ở khu vực biên giới.

Gắn kết với các địa phương vùng biên giới, Đại học cũng chủ trì hàng trăm hội thảo, đề tài nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội vùng, phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBND các địa phương xây dựng chính sách, đào tạo cán bộ và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với từng địa phương.

Ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Điện Biên và Đại học Thái Nguyên về thành lập Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Điện Biên

Khẳng định vị thế, hướng tới Đại học trọng điểm quốc gia

Bên cạnh những thành tựu toàn diện, nhiệm kỳ vừa qua còn là giai đoạn khởi động nhiều dự án chiến lược như: Dự án xây dựng bước III Đại học Thái Nguyên, Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hạ tầng cấp thiết khu Trung tâm điều hành ĐHTN, Smart Campus, chuyển đổi số toàn diện đưa Đại học Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu trở thành đại học số, đại học xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho mục tiêu nâng tầm Đại học Thái Nguyên trở thành Đại học trọng điểm quốc gia, thuộc top 500 trường đại học hàng đầu Châu Á theo bản xếp hạng QS Châu Á.

Trong nhiệm kỳ tiếp theo 2025-2030, với chủ đề Đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của vùng và cả nước”, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định các trụ cột chiến lược gồm: đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ, phát triển đội ngũ chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo – nghiên cứu – phục vụ cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.

Với truyền thống 31 năm xây dựng và phát triển, cùng niềm tin, quyết tâm và trí tuệ tập thể, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trở thành điểm tựa tri thức vững chắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Hà - Bảo Ngân


Thống kê truy cập

Đang online: 1
Lượt truy cập hôm nay: 743
Năm 2025: 345.621
Tổng số lượt truy cập: 450.876
Zalo