Tin tức & Sự kiện

Giám đốc Đại học Thái Nguyên làm việc với một số đơn vị

Trong các ngày từ 20-21/10, PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên. Tham gia Đoàn làm việc còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng, Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch Tài chính, Ban Công tác Học sinh Sinh viên, Ban Cơ sở Vật chất.

Chiều ngày 20/10, tại trường Đại học Nông Lâm, Giám đốc đã làm việc với tập thể lãnh đạo nhà trường. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng nhà trường, trưởng các phòng chức năng, trưởng các khoa, đơn vị trực thuộc Trường Đại học Nông Lâm.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, nêu một số khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xây dựng và phát triển nhà trường trong thời gian tới, PGS.TS Hoàng Văn Hùng cùng lãnh đạo Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch Tài chính, Ban Công tác Học sinh Sinh viên, Ban Cơ sở Vật chất cũng đã trao đổi, làm rõ, giải đáp một số ý kiến của các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc xoay quanh các vấn đề về công tác tổ chức bộ máy, đào tạo (công tác tuyển sinh, xây dựng một số nhóm ngành đào tạo), đầu tư và quản lý cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Văn Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Giám đốc khẳng định, Trường Đại học Nông Lâm là một đơn vị có truyền thống và bề dày lịch sử, nhà trường có rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa, đề nghị trong thời gian tới nhà trường cần đoàn kết, trách nhiệm, kiến tạo và phát triển, lấy phương châm chăm lo người học là chủ yếu, lấy khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn làm sức sống, thay đổi mô hình quản trị của nhà trường, tái cấu trúc lại cơ cấu của nhà trường.

Chiến lược phát triển nhà trường trong thời gian tới cần được xây dựng lại trong đó chú trọng tới việc quy hoạch tổng thể. Về công tác đào tạo cần chú trọng tới phát triển quy mô, ngành nghề, chất lượng đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần đa dạng trong cách làm, cần xác định rõ trong từng giai đoạn thì chú trọng phát triển theo hướng hàn lâm, ứng dụng hoặc chuyển giao để phát huy được nguồn lực của đơn vị cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội và tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương. Về công tác tổ chức bộ máy, nhà trường cần tiếp tục tái cấu trúc, thực hiện tinh gọn bộ máy; chăm lo chế độ chính sách, đời sống vật chất cho cán bộ, viên chức, người lao động cũng như sinh viên của nhà trường, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên…

Sáng ngày 21/10, PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Văn phòng, Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch Tài chính, Ban Cơ sở Vật chất đã làm việc với toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động Khoa Quốc tế.

TS. Hà Xuân Linh – Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Khoa Quốc tế đã báo cáo với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên về hiện trạng của Khoa trên các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, đào tạo, hợp tác quốc tế, thanh tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất, thông tin thư viện, công tác học sinh sinh viên, thi đua khen thưởng...Bên cạnh đó, TS. Hà Xuân Linh cũng đã đề cập tới 7 vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Vấn đề tự chủ về việc sắp xếp cơ cấu bộ máy nhỏ của đơn vị, thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, giao dịch với các đối tác; Công tác mở ngành, mời giảng viên thỉnh giảng là các đối tác doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, vấn đề vận hành phần mềm quản lý đào tạo khó khăn do đã nhiều năm không được bảo dưỡng nâng cấp; Công tác phê duyệt Đề án tuyển sinh, công tác tuyển sinh sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế; Triển khai các dịch vụ ngắn hạn; Cơ sở vật chất như không gian học tập, sinh hoạt, sân chơi bãi tập, phòng chức năng phục vụ các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, cải tạo cảnh quan khuôn viên của Khoa xanh, sạch, đẹp...

Lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế, PGS.TS Hoàng Văn Hùng cũng như các thành viên trong đoàn công tác đã có ý kiến trao đổi, chia sẻ một cách thẳng thắn, cởi mở để cùng tháo gỡ những khó khăn mà hiện nay Khoa đang gặp phải. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Văn Hùng đã đánh giá cao những kết quả tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế đã đạt được sau 11 năm xây dựng và phát triển. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Khoa trong thời gian tới, Giám đốc Hoàng Văn Hùng yêu cầu Khoa Quốc tế cần chú trọng một số nội dung sau: Thứ nhất, Khoa cần đặc biệt quan tâm chăm lo cho người học, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Khoa bằng các biện pháp như nâng cao chất lượng đào tạo, điều chỉnh khung chương trình phù hợp, chú ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, chăm lo chế độ chính sách, các điều kiện sinh hoạt của sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế. Thứ hai, Khoa cần nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ theo hướng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ, với lợi thế cán bộ giảng viên của Khoa trẻ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo.

 Giám đốc cũng chia sẻ, trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ chia các nhóm đối tượng đào tạo theo 03 phân khúc: đào tạo mũi nhọn, đào tạo đại trà và đào tạo chuyên biệt (giành cho các đối tượng dân tộc thiểu số, đối tượng thiệt thòi) và Giám đốc gợi ý Khoa Quốc tế nên xem xét nghiên cứu nhiệm vụ trọng tâm theo hướng đào tạo mũi nhọn và hỗ trợ cho công tác đào tạo chuyên biệt. Về việc mở ngành đào tạo, Khoa cần lưu ý mở ngành mới theo hướng đa ngành, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng cân đối các môn cơ sở ngành, chuyên ngành cho phù hợp. Về công tác thu hút sinh viên quốc tế, Khoa cần phân loại đối tượng đào tạo theo vùng lãnh thổ, Giám đốc cũng gợi ý một vài giải pháp mang tính chất đột phá trong công tác thu hút tuyển sinh sinh viên quốc tế. Một vấn đề quan trọng Giám đốc đề nghị Ban Chủ nhiệm Khoa quan tâm thực hiện đó là cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cũng như chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động của Khoa; xây dựng Khối đoàn kết, phát huy dân chủ, tạo môi trường cho cán bộ, viên chức và người lao động của Khoa được cống hiến.

 Đồng thời, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng lưu ý Khoa Quốc tế cần xây dựng lại chiến lược phát triển của Khoa trong thời gian tới và trình Đại học Thái Nguyên phê duyệt, xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết một cách rõ ràng, cụ thể; xác định rõ lộ trình phát triển Khoa Quốc tế thành Trường Quốc tế, Trường Đại học Quốc tế trong từng giai đoạn cụ thể.

Tiếp tục chương trình công tác, chiều ngày 21/10, PGS.TS  Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đại diện lãnh đạo Văn phòng, Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch tài chính, Ban Cơ sở vật chất, Ban Công tác Học sinh sinh viên đã làm việc với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Tiếp và làm việc với Đoàn có TS. Nguyễn  Văn Tảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường, đại diện lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị chức năng của Trường.

Sau khi nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo công tác xây dựng và phát triển nhà trường qua hơn 20 năm, PGS.TS Hoàng Văn Hùng đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Nhấn mạnh về vị trí, vai trò của Đại học Thái Nguyên đối với vùng cũng như hệ thống giáo dục quốc dân, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng đã khẳng định những đóng góp to lớn của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đối với sự phát triển của Đại học Thái Nguyên cũng như khu vực và cả nước. Nhà trường là một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học; bồi dưỡng ngắn hạn; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế -  văn hóa – xã hội của đất nước.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Văn phòng, một số ban chức năng của Đại học Thái Nguyên đã thông tin, trao đổi, bàn bạc một số vấn đề kiến nghị của nhà trường về công tác cơ sở vật chất, dự án tăng cường công nghệ thông tin, công tác mở ngành, công tác kết nối với các cơ quan Trung Ương và địa phương, vấn đề tự chủ đại học...

Kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Văn Hùng khẳng định trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của Đại học vùng, thể hiện vai trò kết nối giữa các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên với các cơ quan Trung Ương và địa phương. Trong thời gian tới, Đại học cũng sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy để phát triển. Chia sẻ về triết lý phát triển của nhà trường, Giám đốc cho rằng cần dựa trên ba phương châm đó là nhà trường cần lấy chăm lo người học làm điểm nhấn, khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ làm sức sống và đổi mới mô hình quản trị đại học, tái cấu trúc lại cơ cấu của nhà trường…

Giám đốc cũng khẳng định Đại học Thái Nguyên luôn xác định Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là trường trọng điểm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và thống nhất giao cho nhà trường nhiệm vụ làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin của Đại học. Giám đốc cũng đề nghị nhà trường cần xây dựng một môi trường giáo dục đào tạo khang trang, xanh, sạch, đẹp tạo động lực cho người học. Về việc kết nối với các Bộ, ngành, địa  phương, trong thời gian tới, Đại học sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với các đơn vị và giao cho mỗi nhà trường một đơn vị, một địa phương để thuận tiện trong công tác phối hợp. Về công tác đào tạo, Giám đốc đồng ý quan điểm cho phép nhà trường mở các ngành đào tạo đa ngành nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, bên cạnh đó cần rà soát lại chương trình đào tạo, khung chương trình đào tạo sao cho cân đối, đáp ứng nhu cầu xã hội; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để tăng các nguồn thu cho nhà trường, từ đó cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị. Công tác phát triển khoa học công nghệ của nhà trường cần có chiến lược tổng thể, không manh mún, tăng cường xây dựng các đề tài hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đẩy mạnh tuyển sinh quốc tế để hướng tới một môi trường quốc tế đa văn hóa…/.

Thanh Loan – TNU Media


Thống kê truy cập

Đang online: 2
Hôm nay: 1.087
Năm 2025: 69.071
Tất cả: 174.326
Zalo