Ngày 08/4/2022, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) bế mạc phiên đánh giá lần thứ 268 theo tiêu chuẩn AUN-QA đối với 04 chương trình đào tạo của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên bằng hình thức trực tuyến, sau 05 ngày làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu (ảnh chụp màn hình máy tính)
Phó Giám đốc phụ trách Đại học Thái Nguyên Trần Thanh Vân đã tham dự cùng đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Ban Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Nông Lâm, Khoa Quốc tế.
Tại chương trình, Ngài Shahrir Abdullah – Phó Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN và các chuyên gia kiểm định đã đánh giá những điểm mạnh, điểm cần khắc phục và khuyến nghị về 4 chương trình đào tạo của Đại học Thái Nguyên theo các tiêu chí đánh giá chung của AUN, trong đó có 03 chương trình đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm (Quản lý Đất đai, Quản lý Tài nguyên rừng, Khoa học cây trồng) và chương trình đào tạo Kinh doanh Quốc tế của Khoa Quốc tế.
Ngài Shahrir Abdullah – Phó Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN phát biểu tại chương trình
Nhìn chung, cả 4 chương trình đều được đánh giá khả quan ở sự hài lòng của giảng viên và sinh viên, tính cập nhật kịp thời và bắt nhịp nhanh chóng với các xu thế mới của từng ngành hiện nay. Mặc dù vậy, các chuyên gia của AUN cũng khuyến nghị các đơn vị phụ trách các chương trình này tiếp tục thường xuyên trao đổi với các cơ sở giáo dục khác ở trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, đồng thời thường xuyên có sự xem xét, điều chỉnh chương trình phù hợp với nhu cầu của sinh viên, của xã hội và xu hướng học tập trực tuyến. Đối với các chương trình mới, cần lên kế hoạch về nhân sự trong trung hạn và dài hạn để bảo duy trì và phát triển.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Giám đốc phụ trách ĐHTN Trần Thanh Vân đã gửi lời cảm ơn tới Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á đã làm việc trách nhiệm, cởi mở và xây dựng, chỉ rõ những điểm mạnh điểm tồn tại của chương trình đào tạo, là cơ sở để ĐHTN, các trường thành viên và chương trình đào tạo triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng của các chương trình đào tạo của Đại học. PGS.TS Trần Thanh Vân cũng cam kết sẽ tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới AUN-QA, triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, thực hiện các kế hoạch cải thiện chất lượng theo các khuyến nghị của đoàn đánh giá đối với 04 CTĐT.
PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc phụ trách ĐHTN phát biểu tại chương trình
Phó Giám đốc Trần Thanh Vân cũng khẳng định, Đại học Thái Nguyên luôn coi các đợt đánh giá là cơ hội để các đơn vị nhìn nhận, rà soát những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong các phương pháp và hoạt động dạy và học, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng trong tương lai.
Phó Giám đốc phụ trách ĐHTN Trần Thanh Vân cũng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực của Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông Lâm và Ban Chủ nhiệm Khoa Quốc tế cùng toàn thể cán bộ, giảng viên sinh viên đã giành cho công tác đảm bảo chất lượng trong thời gian qua.
Triển khai đánh giá chương trình đào tạo theo AUN – QA là một trong những giải pháp được Đại học Thái Nguyên áp dụng nhằm nâng cao và khẳng định chất lượng hội nhập khu vực ASEAN. Hiện nay, có 7 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên được công nhận kiểm định, 16 chương trình đào tạo được công nhận kiểm định trong đó có 07 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA./.
Thanh Loan - TNU Media