Tin tức & Sự kiện

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giám sát tại Đại học Thái Nguyên

Thực hiện chương trình công tác, ngày 28/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tại Đại học Thái Nguyên, giai đoạn 2011 – 2020.

28-8-2020-HDDT-1.jpg

GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn Giám sát, về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, các đồng chí Phó Giám đốc, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường, đơn vị thành viên trực thuộc Đại học.

Đại học Thái Nguyên là một Đại học Vùng định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc.

Là trung tâm lớn của đất nước về giáo dục đại học, hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 10 đơn vị đào tạo, trong đó 7/7 trường đại học đã được kiểm định chất lượng, 3/7 trường đại học được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Về nguồn nhân lực, toàn Đại học có 3.969 cán bộ, giảng viên, trong đó có 2.543 cán bộ giảng dạy. Giảng viên trình độ cao có 10 giáo sư, 141 phó giáo sư, 764 tiến sĩ. Mục tiêu của Đại học Thái Nguyên là “Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực”.

Giai đoạn 2011 – 2020, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đạt được một số kết quả được ghi nhận.

Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Đại học Thái Nguyên đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng, nhiều chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trung bình mỗi năm, thực hiện từ 20-30 đề tài, dự án với kinh phí trung bình là 70-80 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện các đề tài, dự án ở một số tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên…). Các lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây ngắn ngày…được tích cực triển khai, góp phần phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh. Có nhiều đề tài có khả năng ứng dụng thiết thực và triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Có 64 đề tài, nhiệm vụ trực tiếp phục vụ việc phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các nhóm lĩnh vực như: Bảo tồn, phát triển văn hóa, ngôn ngữ cộng đồng các dân tộc thiểu số; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

28-8-2020-DHDT-2..JPG

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành và đoàn công tác thăm quan Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp – Trường Đại học Nông Lâm.

Riêng đối với Tỉnh Thái Nguyên, sự gắn kết chặt chẽ giữa ĐHTN với tỉnh Thái Nguyên còn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng Chương trình phối hợp hoạt động KHCN. Năm 2016, ĐHTN đã ký chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với UBND tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí dự kiến là 100 tỷ đồng. Hiện nay chương trình đã và đang triển khai 06 nhiệm vụ thực hiện bởi các đơn vị thành viên của ĐHTN với kinh phí là 89,563 tỷ.

Về công tác đào tạo, trong những năm qua, ĐHTN đã đào tạo gần 200.000 người tốt nghiệp các trình độ của giáo dục đại học, trong đó các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm 81,3% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học với 35% là người dân tộc thiểu số; số lượng tốt nghiệp thạc sĩ của các tỉnh trong vùng là 5.524 người (chiếm 75,9% số người học của ĐHTN), 220 người tốt nghiệp tiến sĩ (chủ yếu là cán bộ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng các tỉnh trong vùng).

Đảng ủy ĐHTN chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đào tạo cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số thông qua đón nhận đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và dự bị đại học. Tiếp nhận từ các địa phương trong vùng sinh viên cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ (trong đó có có các sinh viên ngành khoa học sức khỏe), tiếp nhận và đào tạo sinh viên là người dân tộc thiểu số chuyển tiếp từ dự bị đại học. Tổ chức đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang (đào tạo mỗi khóa thạc sĩ 50 học viên/năm). Phần lớn người học tốt nghiệp tại ĐHTN đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của vùng và đất nước.

Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước, đặc biệt là trung du miền núi phía Bắc.

Một số lĩnh vực trọng tâm đào tạo chất lượng cao của ĐHTN: nông - lâm - ngư nghiệ, y - dược, kỹ thuật công nghệ; khoa học giáo dục, xã hội - nhân văn… Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là đơn vị dẫn đầu cả nước về đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2011, Trường vinh dự được đón nhận danh hiệu “Biểu tượng vàng nguồn nhân lực Việt Nam”. Hiện tại, Trường là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là đơn vị nòng cốt tham gia tập huấn cho giảng viên các trường Sư phạm về phát triển chương trình đào tạo giáo viên. Trường cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chương trình học bổng “Hỗ trợ sinh viên là người DTTS được đào tạo thành giáo viên THPT và Trung cấp chuyên nghiệp”.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề về thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Các đại biểu đại diện các ban chức năng, đơn vị thành viên cũng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất về vấn đề này. Cụ thể: Đại học Thái Nguyên là Đại học Vùng, đã được khẳng định “ là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước” (Điều 7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, năm 2018), tuy nhiên,  đầu tư xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên còn nhiều hạn chế.  Các đại biểu cũng kiến nghị Đảng, Chính phủ cần xác định rõ vị trí và nhiệm vụ của Đại học Vùng đối với sự phát triển nguồn lực chất lượng cao cho đất  nước với vị trí địa - chính trị quan trọng của ĐHTN, tỉnh Thái Nguyên – trung tâm vùng để phê duyệt Đề án phát triển ĐHTN thành Đại học trọng điểm quốc gia và bố trí nguồn vốn cho xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên. Thứ hai, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và tài chính trong giai đoạn hiện nay đối với đại học Vùng để tăng sức mạnh cạnh tranh, tránh tản mạn khi hiện nay hầu hết mỗi tỉnh đều có trường đại học, Bởi Đại học Thái Nguyên có vị trí quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đã thể hiện ở Nghị quyết 37/2014 của TW. Thứ ba, việc phát triển vùng dân tộc thiểu số phải dựa vào sức mạnh của chính cộng đồng, cộng đồng cần phải dựa vào chất lượng con người, do đó giáo dục đại học vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa, an ninh quốc phòng. Đại học Thái Nguyên là đại học Vùng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã đánh giá cao những kết quả Đại học Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của Đại học vùng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng để trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, sức mạnh của mình, đóng góp có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung cũng như của khu vực đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

28-8-2020-HĐT-3.jpg

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành tặng quà động viên nhóm nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2 do các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học và Bệnh viên TW Thái Nguyên thực hiện.

Trước đó, chiều ngày 27/8, Đoàn cũng đã đi thăm quan Trung tâm Thực hành – thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học và Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm./.

Thanh Loan – TNU Media


Thống kê truy cập

Đang online: 8
Hôm nay: 1.134
Năm 2025: 69.118
Tất cả: 174.373
Zalo