Ngày 18/5, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Công an tỉnh Hà Giang tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ. Dự buổi lễ có đồng chí Đại tá Hoàng Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Uỷ viên BTV Đảng uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên, đại diện Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển vùng cùng lãnh đạo Văn phòng.
Quang cảnh Lễ khai giảng
Tại tỉnh Hà Giang, 87% là dân tộc thiểu số trong đó dân tộc Mông chiếm trên 32%, với địa hình hết sức phức tạp, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh trật tự hết sức tạp, vì vậy việc xây dựng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tham gia lớp tập huấn có 50 cán bộ, chiến sĩ công tác tại các địa bàn cơ sở. Trong thời gian 4 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào, đáp ứng yêu cầu công tác tại địa phương, ngoài ra các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cán bộ, chiến sĩ được học tập, trang bị khả năng sử dụng tiếng Mông để áp dụng vào thực tiễn công tác.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Uỷ viên BTV Đảng uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ĐHTN phát biểu tại Lễ khai giảng
Phát biểu tại Lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Uỷ viên BTV Đảng uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên đề nghị Ban tổ chức lớp học và các học viên khắc phục khó khăn, chấp hành tốt các nội quy, quy định, tích cực học tập, nghiên cứu; lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt. Về phía Đại học Thái Nguyên sẽ cử giáo viên có kinh nghiệm, chất lượng, đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Ban Tỏ chức và các học viên chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu cấp uỷ, Công an các đơn vị quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đầy đủ. Đối với học viên cần nêu cao trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế lớp học, nghiên cứu, lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt, tăng cường đối thoại, trao đổi tương tác đa chiều giữa giảng viên và học viên, phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ khoá học.
Thu Hà