Đại học Thái Nguyên tham dự Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Ngày 14/12, tại trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của 16 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

25-12-2019-HT-1.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Trần Văn Điền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW nhấn mạnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Trung ương; sự chủ động, sáng tạo nắm bắt cơ hội, cố gắng vươn lên của hệ thống chính trị và đồng bào dân tộc các địa phương trong vùng, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể; qua đó đã phát huy được nội lực của vùng, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Có thể nói Nghị quyết 37-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng; hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản đã được hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến nay, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết hoặc vận hành chưa phù hợp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.

25-12-2019-HT-2.JPG

Các đại biểu dự Hội  thảo

Theo báo cáo mới nhất của Ban Kinh tế Trung ương, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng đã đạt được một số thành tựu như: GDP toàn vùng giai đoạn 2004 - 2018 tăng bình quân 10%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,86 triệu đồng/người gấp gần 12,9 lần so với 2004; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại; đã phát huy được nội lực của vùng, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào khu vực; an ninh – chính trị được ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao… Có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 37-NQ/TW đề ra; có 01/12 chỉ tiêu khả năng đạt được vào 2020; có 02/12 chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào những điểm cốt lõi nhằm phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: Thể chế liên kết, điều phối phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng; định hướng chính sách trong vấn đề giảm nghèo của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; những đột phá trong bối cảnh mới để phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng để phát triển kinh tế cửa khẩu…

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã báo cáo tham luận với chủ đề  Đại học Thái Nguyên với công tác phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Trong báo cáo của mình, GS.TS Phạm Hồng Quang đã nhấn mạnh năng lực của Đại học Thái Nguyên với vai trò là Đại học Vùng, là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước (Điều 7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, năm 2018). Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên luôn kiên trì mục tiêu hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực. Từ khi thành lập đến nay, Đại học Thái Nguyên đã cung cấp cho vùng trung du – miền núi Bắc Bộ và đất nước gần 200.000 cán bộ có trình độ cao  đẳng, đại học và sau đại học, trong đó có 13.618 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 268 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 2.156 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 338 bác sĩ chuyên khoa cấp II và 66 bác sĩ nội trú. Đặc biệt, đã có 440 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 146 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ. Trên 30% số người học tốt nghiệp là người dân tộc thiểu số.

25-12-2019-HT-3.PNG

GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Phần lớn người học tốt nghiệp tại Đại học Thái Nguyên đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Nhiều người đã trưởng thành, trở thành bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, tướng lĩnh, doanh nhân thành đạt; nhiều cử nhân nay đã có học hàm phó giáo sư, tiến sĩ, trở thành những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, giữ vị trí quan trọng trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong thời gian tới cần thiết phải thay đổi cách tư duy từ tiếp cận hành chính sang cách tiếp cận địa - chính trị, đó là tiếp cận liên vùng. Với cách tiếp cận này, sẽ giải quyết được các vấn đề về cơ sở hạ tầng (giao thông, môi trường, kinh tế...). Trong đó, vấn đề cốt yếu đó là nguồn lực con người. Về giải pháp thực hiện, Đại học Thái Nguyên đề xuất 05 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, Đại học Thái Nguyên định hướng điều chỉnh hợp lý theo lộ trình về cơ cấu đào tạo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại trường đại học. Thứ hai, Đại học Thái Nguyên hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất... trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ ngay từ khâu lên khung chương trình đào tạo, đến việc thiết kế từng chương trình, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp giảng dạy sinh viên tại doanh nghiệp trong một số lĩnh vực thế mạnh. Thứ ba, tập trung phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quan hệ với doanh nghiệp, tiếp tục phát triển các nhóm giảng dạy – nghiên cứu, tập trung nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm đặc trưng và có thể ứng dụng vào thực tiễn. Đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn để kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thực tiễn. Thứ tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa Đại học Thái Nguyên với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thường xuyên nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, nhận diện những biến động về kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất những giải pháp, chính sách nhằm tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thứ năm, phát triển không gian sáng tạo, khởi nghiệp; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật trình độ cao đặc biệt là đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, kỹ thuật viên gắn với các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm; Tạo cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hợp tác và liên kết giữa các viện, các trường đại  học để đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức nghiên cứu liên ngành và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đánh giá cao những ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Các ý kiến tại Hội thảo đã làm sâu sắc hơn những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua, chỉ rõ những hạn chế, bất cập về chính sách để thu hút nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng về du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu…. chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; những vấn đề nổi lên trong phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về giải quyết khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị trong thời gian tới, phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi Bắc Bộ phải phù hợp với các chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững; lấy kết cấu hạ tầng giao thông là đột phá; nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch là nền tảng; bảo vệ an ninh sinh thái và quốc phòng an ninh là then chốt; hướng tới hình thành không gian kinh tế vùng; dựa vào nội lực là chính nhưng nguồn đầu tư của Trung ương vẫn đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt và khai thông các nguồn lực tại chỗ; phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ bảo vệ an ninh sinh thái và quốc phòng an ninh; khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh sinh thái và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữa khai thác tài nguyên và giữ gìn cảnh quan để phát triển du lịch; giữa nâng cao chất lượng lao động, ổn định dân cư và di dân tự do; giữa phát triển kinh tế biên mậu với tăng cường quốc phòng, an ninh. 

Những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo sẽ được Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp đưa vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ đề ra, báo cáo Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

Thanh Loan - TNU Media


Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 1.091
Năm 2025: 69.075
Tất cả: 174.330
Zalo