Ngày 13/01, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (KHCN&HTQT) năm 2020, triển khai hoạt động KHCN & HTQT năm 2021 và gặp mặt, biểu dương khen thưởng các nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN năm 2020.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Tham dự chương trình có GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, các đồng chí Phó Giám đốc, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường đại học, cao đẳng, khoa trực thuộc cùng gần 200 nhà khoa học tiêu biểu đại diện cho hơn 4.000 cán bộ, giảng viên trong toàn Đại học.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Phạm Hồng Quang đã chúc mừng và biểu dương những nỗ lực và cố gắng của các nhà khoa học đã đạt được trong năm 2020 của toàn Đại học, Giám đốc cũng mong muốn trong thời gian tới, đội ngũ các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên cần làm tốt hơn nữa các vấn đề như cùng nhau xây dựng một môi trường khoa học, không gian khoa học với tinh thần sáng tạo, trí tuệ và làm sao để trường đại học thực sự trở thành trung tâm sáng tạo khoa học; Mong muốn các nhà khoa học với các ý tưởng và sức sáng tạo hãy cùng hướng tới mục tiêu chung của nhà trường, đơn vị để giải quyết những vấn đề lớn của khu vực, cộng đồng và xã hội; Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác chuyên môn nghiên cứu và giảng dạy…
GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị
Năm 2020, căn cứ vào Chiến lược phát triển KH&CN của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2025; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020; Kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Hội nghị phát triển KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025, ĐHTN đã xây dựng định hướng, mục tiêu phát triển KH&CN của Đại học cho năm 2020; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch hoạt động KH&CN của các đơn vị thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Đại học Thái Nguyên đã chú trọng trong việc đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN nhằm đáp ứng được các mục tiêu đề ra như xây dựng các định hướng nghiên cứu và thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh; toàn Đại học đã thành lập được 36 nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu được xây dựng và có quy chế hoạt động cụ thể tại các đơn vị thành viên.
PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
ĐHTN cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực với chức năng tư vấn hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học về ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ĐHTN, tỉnh Thái Nguyên, các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành phố thuộc vùng thủ đô Hà Nội; Cung ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị tuyển dụng trong nước và quốc tế. Hình thành nên điểm kết nối cung cầu KH&CN có trụ sở tại Trường Đại học Nông Lâm, đây là 1 trong 10 điểm kết nối cung cầu KH&CN của cả nước tính đến thời điểm hiện tại.
Công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng là một nhiệm vụ được ĐHTN chú trọng. Năm 2020, ĐHTN đã phối hợp với UBND Tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020”. Đây là một sự kiện gây tiếng vang lớn và thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội đối với phong trào khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Tỉnh Thái Nguyên.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong năm 2020, ĐHTN đang thực hiện 53 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, 02 chương trình KHCN cấp Bộ, 41 đề tài KHCN cấp Bộ, 01 nhiệm vụ bảo vệ môi trường; phê duyệt thực hiện 13 đề tài KHCN cấp Đại học. Cũng trong năm học 2019 – 2020, ĐHTN đã triển khai 449 đề tài NCKH sinh viên, thu hút 756 sinh viên tham gia nghiên cứu và 298 giảng viên hướng dẫn nghiên cứu. Thông qua các đề tài NCKH SV, đã có 46 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học trong nước, nhiều sản phẩm ứng dụng như phần mềm, thiết bị hỗ trợ giảng dạy được tạo ra. Đặc biệt có 08 bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế là sản phẩm nghiên cứu của các đề tài.
Song song với việc triển khai các đề tài/dự án KH&CN các cấp, trong những năm qua, ĐHTN rất quan tâm và tăng cường mối quan hệ với địa phương, tiếp cận với các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ. Đặc biệt là Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng; Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo với UBND tỉnh Lạng Sơn. Chuyển giao công nghệ cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các địa phương thu được kết quả đáng ghi nhận, toàn ĐHTN đã có hơn 500 sản phẩm là các quy trình công nghệ, các sản phẩm ứng dụng thực tiễn được nghiệm thu và chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp.
Năm 2020, đã có 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình được nghiệm thu đạt kết quả từ loại khá trở lên. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh covid19 ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống kinh tế xã hội trên toàn thế giới, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đã chủ động đề xuất và hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sinh phẩm chẩn đoán virus Sars - Covid 2 được xã hội và cộng đồng khoa học đánh giá cao. Sản phẩm này đang được thúc đẩy sản xuất và thương mại hóa phục vụ công tác chẩn đoán dịch bệnh.
Về công tác thông tin khoa học, công bố khoa học và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên đã triển khai vận hành Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến; được lập chỉ mục trong Hệ thống trích dẫn PKP Index; tham gia Trang Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (Vietnam Journal Online - VJOL); các bài báo đăng trên số tiếng Anh của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên đã được gán mã định danh quốc tế DOI, đồng thời được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu quốc tế Crossref; được cấp bổ sung mã số tiêu chuẩn quốc tế cho phiên bản xuất bản điện tử (e-ISSN); được chỉ mục trên các hệ thống Google Scholar, Crossref, PKP Index, VJOL; đặc biệt trong năm 2020, Tạp chí KH&CN ĐHTN là tạp chí thứ 20 của Việt Nam chính thức được lập chỉ mục trong ASEAN Citation Index (ACI).
Trong lĩnh vực công bố khoa học, trong những năm gần đây, ĐHTN luôn là một trong các cơ sở giáo dục dẫn đầu cả nước về số công bố khoa học, đặc biệt là công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Trong 2020, từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp, các nhà khoa học của ĐHTN đã công bố được 1548 bài báo khoa học trên các tạp chí KH&CN trong nước và quốc tế, trong đó có 236 bài báo ISI, 211 bài báo Scopus ngoài danh mục ISI, 238 bài báo quốc tế khác và 863 bài báo trong nước.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng Giấy khen cho TS. Trương Minh Tuyên – Trưởng khoa Toán – Tin (Trường Đại học Khoa học) với thành tích đặc biệt trong năm 2020: công bố 10 bài báo khoa học danh mục ISI, chủ nhiệm 01 đề tài cấp Bộ, 01 công trình được giải thưởng Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Toán học giai đoạn 2010 – 2020.
Giai đoạn 2015-2020, toàn ĐHTN đã có 31 đơn đăng ký quyền bảo hộ sáng chế, 14 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích được chấp nhận hợp lệ, trong đó đã có 01 bằng sáng chế và 06 bằng giải pháp hữu ích đã được cấp cho chủ đơn là Đại học Thái Nguyên; ngoài ra còn một số bằng sáng chế/GPHI mà tác giả là các nhà khoa học của ĐHTN đã được chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, ĐHTN đã khen thưởng 03 tập thể và 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2020./.
Thanh Loan – TNU Media