Đẩy mạnh hoạt động xuất bản trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là nội dung của buổi tọa đàm được Nhà Xuất bản (Đại học Thái Nguyên) phối hợp với Công ty Cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam), tổ chức ngày 26/9/2019 tại Đại học Thái Nguyên. Dự Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên,  đại diện lãnh đạo một số ban chức năng, đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên và cán bộ, viên chức Nhà Xuất bản.

27-9-2019-XB-1.JPG

TS. Phạm Quốc Tuấn – Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên và ông Phạm Gia Trí – Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị trước sự chứng kiến của các đại biểu dự Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh các vấn đề chính: Hoạt động xuất bản phục vụ giáo dục đào tạo trong thời kỳ 4.0; Phần mềm và quy trình làm sách, học liệu; Hệ thống phát hành sách và thư viện điện tử; Giải pháp chống sao chép in lậu.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng khắp thế giới như ngày hôm nay là do trong thực tế, tốc độ phát triển và tác động của những đột phá trong công nghệ đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ chưa từng có. Các sáng chế và tiến bộ khoa học có mặt ở khắp các lĩnh vực và hoạt động xuất bản phục vụ công tác giáo dục đào tạo cũng không thể đứng ngoài xu thế phát triển của cuộc cách mạng này. Theo đó, trong thời kỳ 4.0, ngành xuất bản sẽ phải chứng kiến những chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản, xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống, phương thức sản xuất mới gắn với yêu cầu mới về nguồn nhân lực.

27-9-2019-nxb-2.jpg

PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe diễn giả Phạm Gia Trí – Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề giới thiệu phầm mềm và quy trình làm sách và học liệu trên hệ thống xuất bản 4.0. Đây là phần mềm sản xuất sách giúp chuẩn hóa việc làm sách, biên tập và xuất bản. Các tác giả, giảng viên và các chuyên gia không cần có kiến thức về xuất bản cũng có thể dễ dàng làm sách trên phần mềm và tạo ra sách dưới nhiều định dạng khác nhau như: MOBI, EPUB, PDF, sách in truyền thống và sách in thông minh.

Bên cạnh đó, diễn giả của buổi tọa đàm cũng đã giới thiệu đến các đại biểu về hệ thống phát hành sách và thư viện điện tử. Hệ thống có các chức năng thương mại điện tử giúp phát hành sách và học liệu điện tử đến người dùng. Hệ thống có tích hợp các công cụ quảng cáo, tìm kiếm, thanh toán trực tuyến, đọc trực tuyến. Đồng thời hệ thống có khả năng kết nối đến các hệ thống thư viện và trường học; hỗ trợ cho công tác thư viện và hoạt động đào tạo. Đặc biệt, hệ thống giúp tạo ra một sản phẩm mới Sách in thông minh (Sách lai) kết hợp giữa sách in truyền thống và học liệu điện tử; kết hợp giữa giảng dạy và học tập truyền thống với elearning; thúc đẩy việc tự học của sinh viên.

27-9-2019-nxb-3.jpg

Diễn giả Phạm Gia Trí trao đổi với các đại biểu về Phần mềm và quy trình làm sách, học liệu

Một nội dung thú vị được diễn giả trao đổi tại Hội thảo đó là Giải pháp chống sao chép, in lậu - một vấn đề nhức nhối làm nản lòng các nhà xuất bản, những người làm sách và học liệu. Hệ thống xác thực điện tử 3 lớp không những bảo vệ được sách và học liệu mà còn góp phần định hướng lại việc tạo ra sản phẩm và việc sử dụng sản phẩm trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

Cũng trong khuôn khổ của Tọa đàm, lãnh đạo Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên và lãnh đạo Công ty Cổ phần Đại học – Dạy nghề đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị./.

Thanh Loan – TNU Media


Thống kê truy cập

Đang online: 2
Hôm nay: 1.078
Năm 2025: 69.062
Tất cả: 174.317
Zalo