Bảo tàng lan rừng bước đầu được định hình tại Thái Nguyên.
Dày công tìm kiếm
Lan rừng được được nhiều người ưa thích bởi vẻ đẹp đặc sắc với các hình thức đa dạng, có tất cả các mầu trong cầu vồng và sự kết hợp của các mầu đó. Hoa lan nhỏ nhất bằng hạt gạo, trong khi hoa lan lớn nhất có đường kính khoảng một mét. Chính vì vậy, lan rừng bị nhiều đối tượng săn lùng, tìm kiếm ráo riết, khai thác triệt để mỗi khi phát hiện.
TS Vũ Văn Thông (Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên) tâm sự: “Trong những lần đưa sinh viên đi thực tế tại các khu rừng tự nhiên, khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh, phỏng vấn người dân địa phương, chúng tôi thấy xót xa trước tình trạng lan rừng, đặc biệt là các loài quý hiếm chỉ trong vòng khoảng 5 năm nữa là sẽ không còn trong tự nhiên mà không biết phải làm thế nào.
Đầu năm 2017, chúng tôi báo cáo thực trạng đáng buồn này, đồng thời đề xuất phương án bảo tồn, được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đồng ý ngay và chỉ đạo lập Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Trong khi ngân sách đầu tư cho dự án eo hẹp thì đã kêu gọi được sự tham gia của doanh nghiệp, đó là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Vy Anh hợp tác, đóng góp 50% kinh phí để thực hiện dự án.
Ths Mai Quang Trường, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ: “12 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chúng tôi trong Ban thực hiện dự án và 30 sinh viên Khoa Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) ròng rã suốt sáu tháng trời liên tục lần mò, quần thảo tìm kiếm, sưu tầm các loài lan trong các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai), sườn đông dãy núi Tam Đảo, các khu rừng chung quanh hồ Núi Cốc, các khu rừng tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên... Vì bị ráo riết săn lùng, lan rừng còn rất ít, ở những chỗ dễ phát hiện, dễ lấy thì lan không còn. Khi chúng tôi phát hiện, thì chúng chỉ còn trên cành, cây cao, mỏm đá chênh vênh, leo đến để thu lượm chúng đưa về là vô cùng nguy hiểm, máu chảy, cơ thể sứt sẹo, vắt cắn diễn ra hằng ngày”.
Sau sáu tháng tìm kiếm ở các khu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, các cán bộ Dự án đã thu thập 106 loài lan rừng, mỗi loài thu thập khoảng 30 giò, sau khi đánh giá, phân loại, tìm hiểu đặc tính sinh học, định danh tên khoa học, tên tiếng Việt thì xác định có 24 loài lan rừng quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam như Lan Hài đuôi Công, Hài đốm, Nhất điểm hồng, Hoàng thảo long nhãn...
Định hình bảo tàng lan rừng
106 loài lan rừng được tìm kiếm, thu thập đưa về được các cán bộ Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên thuần hóa, nuôi dưỡng ban đầu tại Khu bảo tồn các loài lan rừng đặt tại Khu du lịch hồ Núi Cốc. Nhưng sau đó, để thuận lợi cho việc tiếp tục nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh học, nhân giống bằng phương pháp giâm hom, tách nhánh, nuôi cấy mô tế bào phục vụ công tác bảo tồn, khai thác phát triển nguồn gien và đáp ứng công tác bảo vệ chống mất trộm, phá hoại nên Khu bảo tồn các loài lan rừng được đưa về khuôn viên của Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Khu bảo tồn các loài lan rừng là một nhà lưới kiên cố rộng lớn với đầy đủ các thiết bị để bảo tồn các loài lan một cách lâu dài, ngày đêm có người bảo vệ, tưới, chăm sóc hơn 3.000 giò lan lớn nhỏ các loại. Khu bảo tồn các loài lan rừng với hai tầng được xây dựng kiên cố bằng thép, tầng dưới đặt các giò lan lớn, nặng; tầng trên treo các giò lan nhỏ, nhẹ. TS Vũ Văn Thông cho rằng, với khu bảo tồn được đầu tư xây dựng kiên cố, đa dạng về loài, đủ lớn về quy mô số giò nên bảo tàng lan bước đầu được định hình.
Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” được nghiệm thu, đánh giá, xếp loại xuất sắc. PGS, TS Phạm Công Hoạt (Bộ Khoa học và Công nghệ) là người phản biện dự án đánh giá: “Những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt việc bảo tồn các nguồn gien quý hiếm, trở thành một điểm sáng trong công tác bảo tồn nguồn gien của cả nước mà dự án này là một điển hình”. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, TS Phạm Quốc Chính cho biết: “Việc thực hiện dự án này không những có ý nghĩa về mặt bảo tồn nguồn gien mà còn có giá trị thiết thực trong việc khai thác phát triển nguồn gien các loài lan để phục vụ nhu cầu của xã hội, giảm áp lực đối với các loài lan trong tự nhiên”.
Các cán bộ thực hiện dự án đã nghiên cứu thành công quy trình giâm hom, tách nhánh, nuôi cấy mô một số loài lan rừng quý hiếm, tới đây sẽ cùng với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Vy Anh tìm kiếm nguồn vốn thực hiện, xây dựng cơ sở sản xuất lan để cung cấp cho thị hiếu người chơi lan trong xã hội.
BÀI & ẢNH: THẾ BÌNH