Trong 02 ngày 10-11/01/2023, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên đã tổ chức đánh giá sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo đại học chính quy, năm học 2022-2023, bao gồm các chương trình: Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh-Tài chính, Kế toán-Tài chính.
Lãnh đạo Khoa Quốc tế làm việc với các thành viên của Hội đồng đánh giá
Để chuẩn bị tốt cho việc đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên, Khoa Quốc tế đã mời các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn sâu đến từ các trường đại học có uy tín, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đánh giá.
Trong công tác đào tạo, khâu đánh giá sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhằm mục đích tìm ra những điểm mạnh của chương trình để tiếp tục phát huy, tìm ra những điểm tồn tại của chương trình để cải thiện, qua đó nâng cao chất lượng của chương trình. Đồng thời, những thông tin thu thập được qua quá trình đánh giá là một trong các căn cứ để Khoa Quốc tế rà soát, đổi mới chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, phương pháp dạy-học, thi kiểm tra đánh giá và các hoạt động phục vụ đào tạo khác. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, kỹ thuật viên của Khoa nhận thức rõ hơn về vai trò trách nhiệm của mình trong các hoạt động quản lý, giảng dạy, phục vụ giảng dạy nhằm giúp người học vươn lên trong học tập để đáp ứng chuẩn đầu ra ở mức độ cao, đồng thời đánh giá mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp đối với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Các hội đồng tiến hành đánh giá sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn đầu ra
Qua hoạt động đánh giá sinh viên tốt nghiệp cũng giúp người học có cơ hội được trao đổi về chuyên môn với các nhà khoa học uy tín, được chia sẻ về ứng dụng chuyên ngành trong thực tiễn với các nhà sử dụng lao động, qua đó tạo cơ hội tăng cường hợp tác, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của các nhà sử dụng lao động. Bên cạnh đó cũng tạo sự gắn kết giữa Khoa và các cơ sở giáo dục khác thông qua việc mời các chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài, qua đó thúc đẩy sự học hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình đào tạo
Theo kế hoạch, Hội đồng sẽ thực hiện đánh giá Ngoại ngữ, Tin học và chuyên môn. Nguyên tắc đánh giá cần đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng, chính xác, trong quá trình đánh giá cần bao phủ các yêu cầu của chuẩn đầu ra, hàm lượng khoa học và thực tiễn phù hợp. Công cụ đánh giá chuyên môn được thiết kế, xây dựng và thẩm định bởi Hội đồng chuyên môn của Khoa, có sự tham gia góp ý của nhà sử dụng lao động và chuyên gia bên ngoài, mang tính tổng hợp, kiểm tra được kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, thái độ của sinh viên đảm bảo đo lường, đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra.
Kết thúc 02 ngày làm việc, các hội đồng đã tổng kết công tác đánh giá sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn đầu ra năm 2022 cho 03 chương trình đào tạo. Theo đó, đa số ý kiến của các chuyên gia cho rằng sinh viên đã có kiến thức tốt về chuyên môn nhưng cần trau dồi thêm các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội và cần có thời gian thực hành, thực tế tại các doanh nghiệp nhiều hơn. Các chuyên gia cũng góp ý Khoa cần thường xuyên cử cán bộ, giảng viên đến các doanh nghiêp để liên tục cập nhật nhu cầu thực tế của đơn vị tuyển dụng, từ đó có định hướng đúng đắn cho sinh viên, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa năng lực của sinh viên và yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp...
Sau khi nghe ý kiến góp ý từ phía các chuyên gia, đại diện lãnh đạo Khoa Quốc tế đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các nhà tuyển dụng. Lãnh đạo Khoa Quốc tế cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên của Khoa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng./.
Thanh Loan