Chàng trai người Nùng chỉ cách lấy điểm 9 Toán, chọn ngành đúng với đam mê

Có nhất thiết phải học tại các trường danh tiếng về Công nghệ thông tin ở thành phố lớn với mức chi phí sinh hoạt và học phí cao thì ra trường mới có việc làm?

Ngành Công nghệ thông tin nói chung và các ngành kỹ thuật liên quan đến máy tính hiện nay khá phát triển. Vì vậy, nhiều trường đại học mở ra các loại hình đào tạo có liên quan đến lĩnh vực này, nhưng để chọn được một ngành phù hợp với năng lực và bản thân người học liệu có đủ kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công việc thì không hề đơn giản.

Liệu có nhất thiết phải học tại các trường đào tạo về Công nghệ thông tin ở thành phố lớn với mức chi phí sinh hoạt cũng như học phí cao thì ra trường mới có được việc làm? Hay chỉ cần học tại các trường tại tỉnh lẻ với mức học phí thấp mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của thị trường sau khi tốt nghiệp?

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi lại những chia sẻ của chàng trai người Nùng là Hoàng Đức Chung - Sinh viên năm thứ 2 ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái nguyên) về phương pháp ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tư duy chọn ngành đúng sở thích, đam mê.

Hoàng Đức Chung có điểm đầu vào khối A là 28,7 (trong đó Toán 9.2; Lý: 8.5; Hóa: 8.25; điểm vùng: 2,75).

18-6-2021-CN-2.jpg

 Chung mong muốn sau khi tốt nghiệp được làm việc tại các công ty của nước ngoài để có cơ hội rèn luyện nghề

Chung cho biết rất yêu thích ngành máy tính, ngay từ năm lớp 12 đã có dự định sẽ tham gia học tập tại một số trường đại học ở Hà Nội, nhưng qua tìm hiểu thấy mức học phí khá cao cùng chi phí ở thành phố nên gia đình khó có thể theo được. Vì vậy theo học ngay tại tỉnh Thái Nguyên với ngành Kỹ thuật máy tính là lựa chọn hợp lý cho bản thân em và gia đình.

"Mặc dù khoa Kỹ thuật máy tính ở tỉnh chưa được mạnh như các trường Công nghệ thông tin nhưng về mặt kiến thức vẫn đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập của sinh viên. Hơn nữa loại hình đào tạo của trường có liên quan đến công nghiệp trong khi bất cứ một quốc gia phát triển nào cũng cần phải có một nền công nghiệp vững mạnh, chính vì vậy hướng đào tạo sinh viên của trường sẽ bắt kịp với xu hướng của thời đại.

Kỹ thuật máy tính với nhiều khía cạnh, từ thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến thiết kế vi xử lý, máy tính cá nhân và kể cả các siêu máy tính. Hiện nay ngành này đang thiếu nhân lực và sẽ rất thiếu trong vòng 10 năm nữa do các công ty trong ngành đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu đây là một trong các ngành chủ lực của kinh tế.

Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên theo học tại trường có những kiến thức cơ bản, chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng. Nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp để thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và những phần mềm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng đó.

Đặc biệt việc thiết kế các hệ thống Nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các bộ điều khiển trong máy móc, robot công nghiệp.

Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ có được năng lực tham mưu, tư vấn, có khả năng làm việc nhóm hay độc lập nghiên cứu để học lên các trình độ cao hơn. Lập trình viên, đặc biệt là lập trình các phần mềm nhúng trên các thiết bị di động. Kỹ sư thiết kế mạch điện - điện tử, mạch điều khiển trong công nghiệp, vi mạch, chip…

Với tất cả những ưu việt đó trong đào tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân từng người học phải biết cố gắng, nỗ lực phấn đấu bản thân thì dù có học tập ở đâu vẫn có thể thành công được, không cứ là học tại các ngôi trường nổi tiếng, và dù nếu có học ở đó nhưng với thái độ không nghiêm túc thì ra trường mọi kiến thức cũng chỉ là số không mà thôi. Còn nếu tự bản thân người học nỗ lực, kiên định về hướng mình đã chọn thì cũng sẽ có những giải pháp tiến gần đến thành công.

Sau khi ra trường, em mong muốn được làm việc trong một môi trường quốc tế bởi các tập đoàn nước ngoài luôn có hướng đào tạo hiện đại và tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, ở trong môi trường đó sẽ giúp mình được rèn luyện, hơn nữa mức đãi ngộ cũng tốt hơn”, Chung chia sẻ.

18-6-2021-CN-1.jpg

 Ngoài giờ học tập, Chung còn phụ giúp mẹ xao chè, làm việc nhà

Quyết tâm ôn luyện để đạt điểm cao

Hoàng Đức Chung cho biết: "Đầu năm lớp 12 với ý định không theo học các trường đại học lớn ở Hà Nội nên mức độ ôn tập của vừa phải, bởi vì em tin vào lực học của mình. Nhưng sang học kỳ II, em nghĩ nếu đã học ở tỉnh thì điểm thi phải nỗ lực thật cao, từ lúc đó em mới thực sự dành nhiều thời gian ôn tập.

Vừa học kiến thức trên lớp, về nhà mua thêm sách tham khảo và học trên các diễn đàn ôn luyện đại học, ngoài ra đăng ký thêm vài khóa học trực tuyến cùng một số bạn trong lớp. Với môn Toán, tập trung ôn lý thuyết trước bởi đây là nền tảng giúp cho việc giải các bài tập dễ dàng, tìm hiểu sâu lý thuyết rồi mới làm bài tập.

Dùng cách học liên tưởng sẽ nhớ lý thuyết lâu hơn, ví dụ với môn Toán: Câu lý thuyết về khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau, ban đầu sẽ phân tích thật kỹ các khái niệm, định nghĩa có liên quan, sau đó tưởng tượng ra hai đường thẳng chéo nhau trong không gian. Từ lý thuyết đã phân tích, khoảng cách của hai đường thẳng chéo nhau chính là đoạn vuông góc chung của hai đường thẳng đó”.

Theo Hoàng Đức Chung, phần Đại số, từng giới hạn của hàm số sẽ tiến gần tới một điểm nào đó, có thể liên tưởng đến đồ thị của hàm số và điểm tính giới hạn, như vậy khi áp dụng vào bài tập sẽ củng cố được chắc lý thuyết hơn là học thuộc lòng.

"Không nên giải bài tập mẫu tràn lan mà nên lựa chọn theo hướng đề tham khảo, làm chắc từng phần, từng câu, xong câu nào chắc câu đó luôn. Ngoài ra khi luyện đề mẫu cần chú trọng làm những câu giúp ăn đứt điểm số và đó thường là những câu cuối cùng ở đề thi, đây là những câu khó có độ phân hóa học sinh rất cao.

Những câu hỏi cuối được lọc ra theo từng chuyên đề, theo mức điểm hoặc theo tính chất như tích phân, thể tích, hình học…đều được tập luyện làm triệt để”, Chung chia sẻ.

18-6-2021-CN-3.jpg

 Sinh viên Hoàng Đức Chung và các bạn cùng lớp trong khóa học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Thái Nguyên.

Với môn Vật lý, Chung cho biết: “Cần ôn nắm chắc lý thuyết, hiểu sâu thì mới có thể làm được những bài tập khó, hoàn toàn không phải cứ tập giải nhiều đề mẫu là thi được điểm cao. Khi đã nắm chắc lý thuyết chuyển sang làm những bài tập khó sẽ dễ dàng hơn.

Lý thuyết sẽ khó đối với đa số các bạn học sinh, và Vật lý gắn với thực tế nên hầu như áp dụng phương pháp liên tưởng này khi ôn tập lý thuyết chắc chắn sẽ hiệu quả.

Với lý thuyết về con lắc lò xo thẳng đứng, tập trung phân tích các công thức, các đại lượng liên quan, sau đó tưởng tưởng ra con lắc lò xo chuyển động lên xuống. Trong khi đứng yên ở vị trí cân bằng hay chuyển động, các đại lượng liên quan như độ giãn của lò xo khi ở vị trí cân bằng (Δl), lực đàn hồi tác dụng lên vật (Fđh)... đều được biểu diễn hay thể hiện xung quanh và trên lò xo đó.

Hay khi vật gắn vào lò xo chuyển động đến vị trí nào thi lò xo giãn, đến vị trí nào thì lò xo giãn nén... Tất cả đều được liên tưởng trong đầu như vậy cộng thêm sự phân tích kỹ càng về lý thuyết để tìm ra bản chất thì Chung sẽ nhớ được nó một cách chính xác và trong một khoảng thời gian dài”.

Với môn Hóa, Chung cho biết: “Gần đến kỳ thi em bị ốm nên cũng không ôn tập được nhiều, lúc này chỉ nghĩ đến cần phải đảm bảo sức khỏe, kiến thức có được những gì đã học sẽ thi như vậy, thậm chí đến hôm đi thi bạn bè còn phải dìu Chung vào phòng.

Điều quan trọng trong khi làm bài thi là phải đọc đề thật kỹ, câu dễ cũng không được chủ quan, phân tích thật kỹ từng câu chữ trong đề và đáp án bởi đó chính là nguồn cung cấp thông tin cho thí sinh dựa vào dữ kiện đáp án để loại trừ. Đôi khi chỉ cần 2 đến 3 chữ trong đề đã cho mình dữ kiện để chọn được đáp án đúng.

Khi làm bài thi, em luôn thận trọng đọc rất kỹ bởi vì chỉ vài chữ thôi đã có sự khác biệt mà chúng ta vẫn hay nói vui là "đánh lừa thí sinh". Vậy nên phải rất bình tĩnh, đọc kỹ phân tích câu chữ rõ ràng, như vậy chắc chắn sẽ được điểm cao”.

Link bài viết trên Tạp chí Giáo dục điện tử: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chang-trai-nguoi-nung-chi-cach-lay-diem-9-toan-chon-nganh-dung-voi-dam-me-post218627.gd