Trong các ngày từ 21-22/9, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Dự án INCREASE tổ chức Hội thảo và tập huấn quốc tế về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ 4.0. Hội thảo và tập huấn được tổ chức tại Trung tâm Số, Trung tâm Hội nghị và Trường Ngoại ngữ của Đại học Thái Nguyên.
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tham dự Hội thảo có Ông Rainer Svacinka, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Sumo, điều hành Dự án INCREASE thuộc Chương trình Erasmus Plus; PGS.TS Jasmin Donlic và TS. Daniela Lehner đến từ Đại học Alpen Adria - Áo; đại diện của 30 đơn vị đến từ Đề án NNQG 2020, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong cả nước, các trường phổ thông của tỉnh Thái Nguyên; các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Về phía Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo các ban chức năng, các trường thành viên, giảng viên tiếng Anh của Đại học Thái Nguyên và 700 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh của Đại học Thái Nguyên.
Hội thảo nhằm mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy, phát triển phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho giảng viên tiếng Anh của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông. Đồng thời, cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, phát triển năng lực giảng dạy của mạng lưới giữa các trường đại học Á-Âu. Từ đó, tạo cơ hội nâng cao năng lực đổi mới quản trị đại học, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, coi đó là chìa khoá để hội nhập, phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Đây cũng chính là tiền đề để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa các đối tác trong Mạng lưới Chương trình Erasmus Plus và tăng cường sự kết nối, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã chào mừng các diễn giả quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên Tiếng Anh, sinh viên của Đại học Thái Nguyên tham dự hội thảo và tập huấn quốc tế. Bày tỏ niềm vui khi Đại học Thái Nguyên được vinh dự phối hợp với Dự án INCREASE thuộc Chương trình Erasmus Plus tổ chức chương trình, PGS.TS Hoàng Văn Hùng hy vọng các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ để trao đổi, chia sẻ và lan tỏa các nội dung thuộc mục tiêu của Hội thảo, trong đó tập trung vào 04 nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp giảng dạy “Participatory and Reflective methods” và ứng dụng các công cụ đào tạo kỹ thuật số trong giảng dạy ngoại ngữ; Nhận diện những khó khăn, rào cản chủ yếu hiện nay ảnh hưởng đến khả năng và chất lượng triển khai các phương pháp dạy học ứng dụng các công cụ đào tạo kỹ thuật số trong các chương trình đào tạo ngoại ngữ trình độ đại học hiện hành; Xác định các thách thức cần giải quyết để khuyến khích triển khai và nhân rộng các phương pháp dạy học ứng dụng các công cụ đào tạo kỹ thuật số theo những cách thức phù hợp, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và giaos viên các cấp phổ thông; Xác định các ngành/ chuyên ngành đào tạo ngoại ngữ có tiềm năng phát triển và xác định các đối tác hợp tác để xây dựng dự án quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo này.
PGS.TS Jasmin Donlic đến từ Đại học Alpen Adria – Áo chia sẻ kỹ năng dạy học đổi mới, phát triển phương pháp giảng dạy ngoại ngữ
Trong ngày 21/9, tại Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên, 02 diễn giả đến từ Đại học Alpen Adria - Áo là PGS.TS Jasmin Donlic và TS. Danie Lehner đã tập huấn kỹ năng dạy học đổi mới, phát triển phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho 120 giảng viên tiếng Anh của các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài Đại học Thái Nguyên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông. Trong đó, các diễn giả đã giới thiệu các phương pháp dạy học mới nhằm phát triển khả năng tư duy phản biện và phân tích, làm việc nhóm cho người học. Đồng thời các diễn giả cũng đã cung cấp các công cụ để người dạy có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động dạy học.
Tại Trung tâm Hội nghị Đại học Thái Nguyên, TS. Rainer Svacinka, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ SUMO, điều hành Dự án INCREASE và Th.s Federica Striglio thuộc Chương trình Erasmus Plus đã tập huấn kỹ năng lãnh đạo, khởi nghiệp và kỹ năng mềm cho lãnh đạo Phòng Công tác Học sinh Sinh viên và 700 sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh của Đại học Thái Nguyên. Tại đây, nhiều kiến thức thú vị liên quan tới vấn đề khởi nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên đã được các diễn giả truyền tải một cách cởi mở và hiện đại, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên Đại học Thái Nguyên.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển khả năng tư duy phản biện và phân tích, làm việc nhóm cho người học.
Theo kế hoạch, ngày 22/9, Hội thảo sẽ diễn ra tại Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên với sự trình bày và thuyết trình về sản phẩm Dự án “Vignettes và Photovoice” của gần 300 sinh viên K44 Trường Ngoại ngữ và nội dung trình bày báo cáo áp dụng 06 modules trong giảng dạy Tiếng Anh tại đơn vị, họp bàn các nội dung liên quan tới chương trình hợp tác và xây dựng Dự án mới. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Hội thảo cũng sắp xếp các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Thái Nguyên cho các đại biểu.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao đổi với sinh viên ngành Tiếng Anh của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên bên lề hội thảo
Trước đó, trong các ngày từ 19-20/9, Ban Tổ chức Hội thảo đã tiến hành tập huấn online cho giảng viên cách tiếp cận các phương pháp ứng dụng công cụ đào tạo kỹ thuật số trong giảng dạy ngoại ngữ./.
TS. Đặng Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên cho biết: Dự án INCREASE là Dự án “Xây dựng năng lực sáng tạo thông qua việc đào tạo giáo viên cho các cơ sở giáo dục đào tạo, xã hội và doanh nghiệp”. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2023 với mục đích đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ giảng dạy các phương pháp dạy học tiên tiến, ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào giảng dạy ngoại ngữ. Thông qua đó, tối ưu hoá yêu cầu đào tạo theo nhu cầu, giúp người học sau khi tốt nghiệp chuẩn bị tốt hơn khi tham gia vào thị trường lao động trong thời đại kỷ nguyên số. Tham gia dự án này bao gồm 04 quốc gia bao gồm: Áo, Việt Nam, Thái Lan và Ba Lan. Các cán bộ, giảng viên của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên tham gia Dự án này từ năm 2021 và từ đó đến nay đã đưa nhiều chương trình tập huấn về phương pháp và ứng dụng công cụ kỹ thuật số trong giảng dạy ngoại ngữ tại Nhà trường. |
Thanh Loan – TNU Media