nCOV và tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
nCOV là corona virus, thuộc phân họ Coronavirinae trong họ Coronaviridae. Coronavirus gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Các Coronavirus là các RNA virus kích thước trung bình, chiều dài từ 27 đến 32 kb.
Dơi và chim được xem là những vật chủ lý tưởng là vật chủ lý tưởng của coronavirus. Trước đó, virus này đã gây ra các dịch bệnh nguy hiểm như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV).
Ngày 31/12/2019, Trung Quốc đã gửi thông báo tới WHO về các trường hợp viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Sau đó một tháng, 31/01/2020 Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh do vi rút corona (2019-nCoV nay đổi thành COVID-19) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Tính đến 20/2/2020 tổng số ca nhiễm virus nCoV là 75.735 trường hợp và cướp đi sinh mạng của 21276 người. Virus đã lan sang 28 quốc gia và cùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, hiện đã có 16 trường hợp mắc nCOV.
Xét nghiệm virus nCOV:
Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với việc phòng chống dịch hiện nay là công tác chẩn đoán bệnh. Tính chất nghiêm trọng của dịch là sự lây lan rất nhanh và có thể dẫn tới tử vong nếu chẩn đoán muộn.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay trong lĩnh vực sinh học phân tử, cho phép chẩn đoán virus chỉ trong vài giờ. Realtime RT-PCR được xem là công cụ hữu hiệu nhất trong chẩn đoán nhanh và chính xác được áp dụng trong chẩn đoán virus nCOV hiện nay.
Ngày 17 tháng 1 năm 2020 WHO phối hợp với Đại học Berlin Charite đã công bố qui trình xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật realtime PCR. Tiếp theo đó, Trung tâm kiểm soát bênh tật quốc gia Trung Quốc và một số nước khác như Mỹ, Thái Lan đều công bố qui trình chẩn đoán xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật realtime PCR.
Tại Việt Nam, ngày 03/02/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định phê duyệt nhiệm khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, giao cho Học viện Quân Y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất bộ KIT chẩn đoán nhanh nCOV bằng Realtime PCR. Như vậy có thể thấy rằng, trong trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh lan rộng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về việc sản xuất KIT Realtime PCR dùng để chẩn đoán nhanh nCOV.
Để có thể triển khai công tác chẩn đoán nhanh nCOV nói riêng và nhiều loại virus khác nói chung bằng kỹ thuật Realtime PCR đòi hỏi các bệnh viện phải được trang bị hệ thống máy Realtime PCR và đặc biệt là có đội ngũ cán bộ được đào tạo về sinh học phân tử.
Tại Đại học Thái Nguyên, Ban Giám đốc đã giao nhiệm vụ cho hai đơn vị là Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Y Dược triển khai xây dựng và đào tạo chương trình trọng điểm “Kỹ thuật xét nghiệm Y sinh” thuộc ngành Công nghệ Sinh học, giao cho Trường Đại học Khoa học chủ trì. Đây là chương trình hướng tới chuẩn chất lượng cao, và đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh trong các bệnh viện hiện nay.
Hệ thống PCR và PCR 6 mầu hiện đại nhất hiện nay, được trang bị tại Trường ĐH Khoa học – Đại học Thái Nguyên phục vụ cho thực hành xét nghiệm Sinh học phân tử
Trong chương trình đào tạo này, ngoài các kỹ thuật xét nghiệm cơ bản, thì đào tạo chuyên sâu về xét nghiệm sinh học phân tử là một trong những điểm nhấn, trọng tâm của chương trình. Theo đó, người học được học tập thực hành thành thạo trên các hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử như PCR, Realtime PCR hiện đại nhất hiện nay và sử dụng hiệu quả vào chẩn đoán các bệnh khác nhau đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
Thực tập xét nghiệm virus EBV trên hệ thống Realtime PCR tại Trường ĐH Khoa học
Như vậy, có thể thấy rằng, chương trình đào tạo trọng điểm “Kỹ thuật xét nghiệm Y sinh” tại Trường Đại học Khoa học của Đại học Thái Nguyên đã và đang đáp ứng đúng nhu cầu cấp bách của lĩnh vực y tế trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những thời điểm dịch bệnh như dịch COVID-19./.
Sinh viên K17 của chương trình Kỹ thuật xét nghiệm Y Sinh – Trường Đại học Khoa học thực hành tại Khoa Miễn dịch, Di truyền và Sinh học phân tử - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Sinh viên K17 của chương trình Kỹ thuật xét nghiệm y sinh - Trường Đại học Khoa học thực hành tại Khoa Hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) tại bệnh viện A Thái Nguyên.
Thanh Loan – TNU Media