Giảng viên “3 trong 1”

Trong cái lạnh se se của những ngày đầu đông, câu chuyện nghề, chuyện đời của tôi và PGS. TS Dương Văn Cường, Trưởng bộ môn Sinh học phân tử, Trưởng nhóm nghiên cứu nấm dược liệu, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử - Viện Khoa học sự sống, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cởi mở và gần gũi.

Trong câu chuyện, tôi có thể nhận rõ sự say sưa trong anh khi nói về tầm quan trọng của công nghệ sinh học. Đó là giá trị trong việc tạo nên nền tảng tri thức nói chung và những đóng góp đối với việc đối phó và chế ngự đại dịch COVID-19. Từ việc đầu tiên là định danh loài (vi rút), giải trình tự hệ gen, cho đến các kỹ thuật để chẩn đoán và phát triển vắc xin đều có vai trò không thể thiếu của công nghệ sinh học. Đối với công việc, với chuyên môn thì thế, nhưng khi được hỏi về bản thân anh lại rất kiệm lời. Trong câu chuyện của anh, tôi chỉ thấy một giảng viên Dương Văn Cường lẩn khuất giữa học trò, hòa mình vào công việc cùng cộng sự, và những tâm huyết không lung lạc dành cho “ngôi nhà” Trường Đại học Nông lâm - nơi anh gắn bó và dành trọn tâm huyết suốt 13 năm nay.

24-11-2021-TSNL-1.jpg

 PGS. TS Dương Văn Cường giới thiệu sản phẩm viên nang Đông trùng Hạ thảo

Vốn yêu thích và học giỏi môn Sinh học từ bé, anh ấp ủ và quyết tâm theo đuổi đam mê ấy của mình. 2 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Di truyền học, anh về công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làm nghiên cứu tại Phòng Vi sinh vật học phân tử. Tiếp đó, từ 2006 - 2008, anh sang Hàn Quốc học thạc sĩ tại Trường Đại học Quốc gia Gyeongsang.

Sau khi trở về từ Hàn Quốc, với mong muốn được gắn bó với quê hương, Thạc sĩ Dương Văn Cường trở về Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Một năm sau, anh giành được học bổng tại Đại học Keele, Vương quốc Anh và tiếp tục quá trình nghiên cứu tiến sĩ tại đây cho đến 2014. Trở về Trường Đại học Nông Lâm anh đảm nhận vị trí Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học, rồi Phó Trưởng khoa. Đồng thời, kiêm nhiệm làm Trưởng bộ môn Sinh học phân tử (Trưởng Phòng thí nghiệm), Viện Khoa học Sự sống. Đến năm 2016, anh tiếp tục sang Pháp nghiên cứu sau tiến sĩ tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới cho đến năm 2018. Từ thời điểm đó, anh trở thành giảng viên cao cấp tại Khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Nông Lâm và duy trì kiêm nhiệm làm Trưởng phòng thí nghiệm, Viện Khoa học Sự sống.

Là người nghiên cứu sâu về công nghệ sinh học, cộng với những kiến thức thu nạp được trong quá trình học hỏi tại nước ngoài, anh đã mang đến cho Viện “một làn gió mới”. Kết quả của những nghiên cứu về sinh học phân tử có nhiều khởi sắc, nhưng lúc này thực tế lại đặt ra một bài toán khó khác, đó là nghiên cứu sinh học phân tử không còn phù hợp với một đơn vị tự chủ như Viện. Đông trùng hạ thảo ra đời cũng chính là lời giải cho bài toán khó lúc bấy giờ.

Là một nhà giáo, một nhà khoa học, nay đứng trước yêu cầu dành cho một người kinh doanh thương mại, bản thân anh không cho phép mình được bằng lòng với những sản phẩm có chất lượng chỉ ở mức trung. Nhưng cũng chính điều đó đã không ít lần thử thách sự bền gan của anh. Nhưng “có công mài sắt”, 3 năm sau, anh và các cộng sự cho ra đời sản phẩm Đông trùng hạ thảo CordyHappy với niềm tự hào là sản phẩm bắt nguồn từ kết quả của 1 đề tài nghiên cứu khoa học.

Với những tác dụng vốn vẫn được coi là “tiên dược” trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư; điều hòa miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể… Đông trùng hạ thảo ngày càng được người tiêu dùng “săn lùng” nhưng không dễ gì kiểm chứng chất lượng. Đó cũng là điều khiến anh trăn trở. Sự “tử tế” trong kinh doanh ấy phần nào đã được gửi gắm ngay ở tên gọi của sản phẩm mà nhóm nghiên cứu của anh lựa chọn “CordyHappy”. Cắt nghĩa tên gọi này, anh lý giải: “Cordy là bắt nguồn từ tên khoa học của Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris, còn Happy là mong muốn khách hàng sử dụng sản phẩm sẽ được vui vẻ, hạnh phúc”.

24-11-2021-TSNL-2.jpg

 Tiếp nối thành công của Đông trùng hạ thảo, PGS. TS Dương Văn Cường hướng dẫn học trò nghiên cứu nấm Vân chi

Đối với việc tạo ra sản phẩm này, giống gốc là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng sản phẩm. Với người nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ sinh học như PGS, TS Dương Văn Cường, những kiến thức nền đã giúp anh và nhóm nghiên cứu làm chủ được công nghệ giống. Từ năm 2015 nhóm nghiên cứu đã nhập khẩu những chủng Cordyceps militaris chuẩn từ các ngân hàng giống Vi sinh vật của Nhật Bản, Đức… Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tổ chức các chuyến đi tìm kiếm, khai thác các chủng giống nấm dược liệu quý bản địa ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Trên cơ sở đó, anh cùng các cộng sự của Viện Khoa học Sự sống đã tiến hành nghiên cứu phân lập, lai tạo, áp dụng các quy trình công nghệ, phát triển các chủng giống tự nhiên và các chủng nhập khẩu trở thành giống gốc chất lượng cao dùng cho sản xuất Đông trùng hạ thảo thương phẩm.

Trải qua muôn vàn khó khăn, Đông trùng hạ thảo thương hiệu CordyHappy do PGS.TS Dương Văn Cường và cộng sự nghiên cứu và phát triển đã đáp ứng được 12 tiêu chuẩn nghiêm ngặt quy định bởi Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam. Sản phẩm cũng đã vinh dự được Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam trao tặng Huy chương Vàng Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng. Đó là một minh chứng về chất lượng và uy tín của các nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội của các nhà khoa học trong đó có in dấu ấn đậm nét của PGS.TS Dương Văn Cường./.

Trà Linh