Ngày 29/4/2025, Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thiết kế Giáo dục Phục hồi Châu Á” (Asian Restoration Education Design) với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên và nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức và đơn vị uy tín như CIFOR-ICRAF, Đại học Helsinki (Phần Lan), Đại học Huế, Đại học Tây Nguyên, Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Khoa Lâm nghiệp, cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Nông Lâm.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm của Hội thảo là thúc đẩy việc xây dựng và phát triển các chương trình giảng dạy về Giáo dục Phục hồi Châu Á – một nội dung thuộc khuôn khổ Dự án quốc tế “Phục hồi cảnh quan rừng và Sinh kế bền vững tại Bangladesh và Việt Nam (FORSU)”. Đây là dự án được tài trợ bởi Chương trình ERASMUS+ và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), do Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên chủ trì, phối hợp triển khai cùng các trường đại học đối tác tại Phần Lan, Đức, Bangladesh và Việt Nam.
Ảnh: GS. TS. Trần Thị Thu Hà phát biểu tại hội thảo
Đại diện cho CIFOR-ICRAF, Tiến sĩ ILse Hennemann, Chuyên gia tư vấn và Phát triển năng lực Đối tác tại Nairobi, Kenya, đã có phần trình bày với chủ đề "Xây dựng mạng lưới phát triển tài liệu và chương trình đào tạo về phục hồi cảnh quan tại khu vực Châu Á".
Ảnh: TS. Ilse Hennemann trình bày tại hội thảo
Trong phần thảo luận, các chuyên gia, giảng viên, cán bộ đến từ nhiều trường đại học và đơn vị nghiên cứu đã tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm: Thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các trường đại học tại khu vực Châu Á trong việc phát triển các học phần chuyên sâu về phục hồi cảnh quan rừng; Xây dựng mạng lưới trao đổi học thuật giữa giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và sinh viên, góp phần lan tỏa tri thức và nâng cao năng lực chuyên môn trong khu vực; Thiết lập cộng đồng sinh viên liên kết giữa các trường đại học Châu Á, nhằm tạo không gian sáng tạo, thúc đẩy giao lưu học thuật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai.
Hội thảo đã mở ra những định hướng mới cho việc tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác đa ngành, hình thành cộng đồng học thuật năng động trong ngành lâm nghiệp và phát triển bền vững của khu vực.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Thùy Chi