Đó là chủ đề của hội thảo khoa học được Đại học Thái Nguyên tổ chức ngày 30/8 tại Hội trường Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên. Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Văn phòng, một số ban chức năng, các trường đại học, cao đẳng thành viên, trường Ngoại ngữ, khoa Quốc tế, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai; đại diện lãnh đạo phòng/tổ đào tạo, công nghệ thông tin, thư viện, khoa và bộ môn, các chuyên gia, nhà khoa học có quan tâm đến chủ đề Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHTN; TS Đỗ Đình Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì phần trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh, Hội thảo “Phát triển nguồn tài nguyên số và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên” có 02 mục tiêu: Thứ nhất, đánh giá thực trạng của việc phát triển nguồn tài nguyên số phục vụ công tác đào tạo ở các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, từ đó phân tích những trở ngại, khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số và những xu hướng phát triển nguồn tài nguyên số ở các trường đại học. Thứ hai, tìm hiểu kinh nghiệm của một số trường đại học ở Việt Nam trong việc phát triển nguồn tài nguyên số; từ đó đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số ở Đại học Thái Nguyên.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Hiện nay, tại Đại học Thái Nguyên, số lượng tài liệu điện tử hiện có 62.169, trong đó thư viện của nhiều trường đại học chưa được kết nối với các thư viện điện tử ở nước ngoài hoặc các cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới, chi phí dành cho việc bảo trì, bảo dưỡng máy số hóa và trang thiết bị phòng studio hàng năm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các trường đại học; số bài giảng điện tử E-Learning và số học phần đã áp dụng đào tạo theo hình thức E-Learning ở các trường còn hạn chế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên cần đẩy mạnh phát triển học liệu, bài giảng điện tử, xây dựng nguồn tài nguyên số chia sẻ và dùng chung của Đại học Thái Nguyên trong thời gian tới nhằm đổi mới mô hình quản trị và quản lý đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 04 báo cáo: “Thực trạng và giải pháp triển khai mô hình đào tạo trực tuyến E-Learning tại ĐHTN” của PGS.TS Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên; báo cáo “Giải pháp phát triển và sử dụng nguồn học liệu mở trong đào tạo ở các trường đại học” của TS. Nguyễn Tấn Đại, Trưởng đại diện Văn phòng AUF tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Đánh giá thực trạng công tác phát triển nguồn tài nguyên số dùng chung của Đại học Thái Nguyên” của Th.s Trần Hồng Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Số của Đại học Thái Nguyên; báo cáo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông” của TS. Đỗ Đình Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông, Đại học Thái Nguyên.
TS. Đỗ Đình Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông, Đại học Thái Nguyên với báo cáo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông”
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh công tác phát triển nguồn tài nguyên số và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên như: Thực trạng của việc phát triển nguồn tài nguyên số phục vụ công tác đào tạo ở các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, những rào cản, khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số và những xu hướng phát triển nguồn tài nguyên số ở các trường đại học; Xây dựng hệ thống học liệu số dùng chung phục vụ cho công tác giảng dạy (hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, hoàn thiện học liệu số cho các môn học cốt lõi trong tất cả các chương trình đào tạo); Hoàn thiện hệ thống quản lý học tập theo hình thức E-Learning của Đại học Thái Nguyên; triển khai các mô hình đào tạo mới, mô hình đào tạo kết hợp trên cơ sở chia sẻ nguồn lực dùng chung của Đại học Thái Nguyên; Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên; Cách thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức xây dựng học liệu số, phương pháp giảng dạy theo mô hình đào tạo kết hợp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, đề xuất các chính sách cho giáo dục mở và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở, dữ liệu mở phù hợp đặc thù của pháp luật và điều kiện cụ thể của Đại học Thái Nguyên; nhận diện và đề xuất các công nghệ cho việc khai thác, tạo lập, lưu trữ và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở, tạo nền tảng vững chắc hướng tới dữ liệu mở và khoa học mở toàn Đại học Thái Nguyên.
Các giải pháp đề xuất tại Hội thảo đã góp phần giúp Đại học Thái Nguyên cũng như các đơn vị thành viên thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả, thay đổi nhận thức và tư duy của nhà quản lý, giảng viên, người học; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng áp dụng thành tựu của công nghệ; phát triển nguồn học liệu và xây dựng văn hóa quản trị trong môi trường số, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia./.
Thanh Loan – TNU Media