Tâm sự của nữ sinh quyết không vào đại học ở Hà Nội

Hòa cho biết với 28 điểm là có thể vào một số trường đại học ở Hà Nội, nhưng chưa chắc đã hơn Đại học Thái Nguyên.

Chưa đầy 1 tháng nữa hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Thời gian này bên cạnh việc tích cực ôn tập, nhiều thí sinh và gia đình cũng đang tìm các kênh tham khảo để lựa chọn nguyện vọng xét tuyển và ngành học phù hợp.

Để giúp các thí sinh có thêm sự tham khảo chọn trường, chọn ngành, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với sinh viên Trần Thị Hòa - K17 ngành Kinh tế đầu tư Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Hòa chia sẻ: “Từ năm lớp 12 em đã tìm hiểu nhiều trường dạy về kinh tế như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội… Suy tính, cân nhắc kỹ lưỡng và rồi vẫn quyết định thi vào Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Với sự phát triển của xã hội và công nghệ như hiện nay thì học ở đâu cũng vậy, ngay như trường Hòa đang theo học cũng có rất nhiều khoa đào tạo, hơn nữa với mức học phí và mọi chi phí sinh hoạt cho 4 năm đại học cũng hợp với gia đình, chỉ khoảng 1/2 so với theo học tại các thành phố lớn.

Bằng cấp hiện nay cũng chỉ là bề nổi, quan trọng là kiến thức bên trong khi mình tốt nghiệp ra trường có được cái gì, đó mới là điều cốt yếu. Ví dụ, với mức điểm 28 thi tốt nghiệp của khối C04 Hòa hoàn toàn có thể vào một số trường đại học có tiếng ở Hà Nội, học xong nhưng chưa chắc những kiến thức mình có đã hơn những gì mình học tại các trường đại học ở tỉnh".

18-6-2021-KTQT-1.jpg

 Sinh viên Trần Thị Hòa cho biết, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) có nhiều thầy cô được đào tạo ở nước ngoài về nên chất lượng giảng dạy rất tốt

Hòa cho biết, Đại học Thái Nguyên có nhiều thầy cô là Tiến sĩ ở nước ngoài về, có chuyên môn cao nên chất lượng giảng dạy rất tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bản thân phải chủ động nỗ lực rèn luyện, học hỏi tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự tin ứng tuyển việc làm khi tốt nghiệp. Ngành Kinh tế đầu tư khá đa dạng nên cơ hội tìm việc làm cũng rộng hơn so với nhiều ngành khác.

"Có thể hiểu Kinh tế đầu tư là một trong những ngành chuyên ngành đào tạo những cử nhân kinh tế làm việc trong lĩnh vực phân tích kinh tế, có kỹ năng thiết lập và thẩm định các dự án đầu tư, xây dựng và phát triển.

Là ngành học liên quan tới việc huy động vốn và sử dụng một cách hiệu quả trong đầu tư phát triển thông qua việc đánh giá, phân tích, triển khai và quản lý các chính sách chiến lược ở cả vi mô và vĩ mô. Chương trình đào tạo mà em đang học giúp sinh viên phát triển đủ kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực đầu tư kinh tế, vận dụng vào các hoạt động đầu tư dự án, quản lý dự án, lãnh đạo, tổ chức, quản lý công việc liên quan.

Ngoài ra, sinh viên còn được xây dựng nền tảng kiến thức về kinh tế, chú trọng hơn trong việc phát triển năng lực để tham gia giải quyết các vấn đề thực tế trong đầu tư, mang lại hiệu quả tốt nhất từ các chương trình, dự án đầu tư kinh tế.

Các kỹ năng cần thiết phù hợp với ngành Kinh tế đầu tư bao gồm làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp hiệu quả, đàm phán và thuyết phục, quản lý thời gian, tổ chức công việc và kỹ năng quyết định.

Được đào tạo như vậy nếu sau này không xin được việc làm như mong muốn thì chúng em hoàn toàn có thể chuyển hướng sang kinh doanh nối nghiệp gia đình, hoặc tạo lập doanh nghiệp nhỏ, đó cũng là việc tốt bởi học kinh tế ra không chỉ đi làm tại các công ty lớn hay các doanh nghiệp nhà nước. Với chương trình đào tạo đang dạng và sâu như vậy, em nghĩ rằng nền tảng kiến thức, kỹ năng, tư duy về chiến lược kinh doanh cũng sẽ khác xa so với người chưa được đào tạo.

Xã hội ngày càng phát triển nhưng có làm gì thì cũng là phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, vậy nên công việc gì chính đáng đem lại nhiều lợi ích cho gia đình cũng như xã hội thì mình lựa chọn phát triển. Kinh tế của bản thân và gia đình có tốt thì mới góp phần xây dựng đất nước được”, Hòa bày tỏ.

18-6-2021-KTQT-2.jpg

 Sinh viên Trần Thị Hòa và mẹ (người mặc áo đen) cùng các thầy cô tại Khoa Kinh tế đầu tư, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

Áp dụng bài văn mẫu khi thi sẽ không hiệu quả

Trần Thị Hòa là một nữ sinh khá đặc biệt, vì ban đầu theo học khối A1 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), nhưng đồng thời cũng giỏi các môn xã hội, đã từng dự thi học sinh giỏi của tỉnh môn Địa lý. Vì vậy, sau đó Hòa chuyển hướng sang khối C04 (Toán, Ngữ Văn, Địa lý) và giảm tối đa thời gian ôn luyện môn Địa lý mà tập trung vào các môn khác.

"Đối với môn Ngữ văn, em chú ý nghe giảng trên lớp, ghi chép cẩn thận nên về nhà chỉ cần đọc lại. Đồng thời, em dành thời gian vào mạng internet tìm nghe những bài giảng của các thầy cô dạy văn, cách này rất hiệu quả hơn hẳn tự đọc tài liệu, bởi khi một giáo viên dạy văn giỏi có sức lôi cuốn với giọng văn hay thì rất dễ đọng lại kiến thức cho người nghe, giúp học sinh có hướng làm văn phù hợp.

Phần làm văn cần chú trọng hơn là bài đọc bởi nếu mọi người chú ý trên lớp thì phần đọc hiểu này khá dễ, khó nhất là làm văn. Nếu nghe giảng thì mỗi thầy cô đều có cách vào bài khác nhau rất hay, từ đó mình ghi chép lại những ý chính, từ khóa cần nhớ để khi ôn tập sẽ đọc lại, ít nhất cũng nhớ được những ý cốt lõi của bài văn đó.

Khi làm văn, thứ nhất là phải đủ ý chính, còn cách hành văn cũng chỉ chiếm phần nhỏ số điểm mà thôi. Làm văn hay hay không tùy thuộc vào nhận thức của người viết, tâm trạng…

Cần phải biết ý chính của bài văn đó có những gì để từ đó phát triển ra, còn nếu nói chỉ học bài văn mẫu để rồi áp dụng vào làm bài thi sẽ không hiệu quả. Nhờ áp dụng cách ôn tập và làm bài như vậy nên khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông em đã đạt 8,5 điểm môn Ngữ văn”.

Với môn Toán, Hòa chia sẻ: “Em học lớp chọn Toán nên kiến thức cũng có phần nổi trội, ngay từ năm lớp 10 thầy cô đã có những bài giảng nâng cao nên khi ôn thi tốt nghiệp chỉ tập trung vào những dạng bài khó. Chính vì vậy mà từ câu 1 đến câu 20 của đề mẫu Hòa làm khá đơn giản, nhưng với những câu còn lại cũng không quá khó, có lẽ là do được học Toán nâng cao từ sớm và các bạn cùng lớp rất giỏi môn này nên Hòa học hỏi được rất nhiều.

Khi tự ôn tập, chú trọng phần giải bài Toán mặc dù về cơ bản thì nắm chắc lý thuyết mới giải được, nhưng khi làm nhiều bài tập thì cũng đồng nghĩa với lý thuyết sẽ lên, giải bài phải qua từng bước và như vậy nếu làm bài nhiều tất nhiên sẽ quen tất cả những bước lý thuyết đó, tự hiểu rồi sẽ biết cách áp dụng, còn nhớ lý thuyết nhưng không chịu làm bài tập thì cũng quên ngay, không hiệu quả. Đó là cách học của Hòa”.

Với môn Địa lý, Hòa nhận thấy: “Đây là môn khá dễ, chỉ cần học tốt phần lý thuyết trong sách giáo khoa thì dễ dàng đạt 8,5 điểm, có thể nói Địa lý là môn thuận lợi để gỡ điểm cho tất cả các môn trong tổ hợp. Nếu có kỹ năng xem hiểu Atlat Địa lý Việt Nam cũng đã có thể lấy được 4 điểm”.

Link bài viết trên Tạp chí điện tử giáo dục: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tam-su-cua-nu-sinh-quyet-khong-vao-dai-hoc-o-ha-noi-post218584.gd