Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đại học Thái Nguyên: Sẵn sàng đón sinh viên trở lại trường

Đăng ngày: 26-02-2020 | 2977 lần đọc
|

Đó là khẳng định của GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) khi trao đổi với phóng viên về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch COVID-19. Ông cũng cho rằng, đợt nghỉ dài sau Tết Nguyên đán cũng là dịp để đánh giá đúng hơn về năng lực quản trị của các đơn vị thành viên.

26-2-2020-DB-1.jpg

GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (đứng thứ 3 ảnh từ trái qua) và thành viên Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Trường Đại học Y Dược (ĐHTN)

P.V: Lịch nghỉ học do dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào tới chương trình đào tạo của của ĐHTN, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: ĐHTN gồm 7 trường đại học, 1 trường cao đẳng và 2 khoa trực thuộc với tổng cộng hơn 40.000 sinh viên dự kiến sẽ nghỉ đến hết tháng 2 năm 2020 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lý do căn cốt của điều này là để phòng, tránh và hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Theo thống kê, có tới hơn 50% tổng số sinh viên ĐHTN có hộ khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán chắc chắn có sự giao lưu với phía Trung Quốc. Do vậy, việc cho nghỉ không đến trường là hết sức cần thiết.

Hiện nay, khối trường đại học mỗi năm có 3 kỳ, gồm 2 kỳ chính thức và 1 kỳ hè. Giữa các kỳ học thì có thời gian gọi là tuần dự trữ. Việc sinh viên nghỉ khoảng 1 tháng thực tế không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo chung. Chỉ có một số cơ sở đào tạo gắn với thực hành nghề nghiệp khối sư phạm và kỹ thuật là bị ảnh hưởng nhiều hơn. Đối với Trường Đại học Sư phạm (ĐHTN), chúng tôi đã chỉ đạo bám sát lịch nghỉ của cấp phổ thông để liên hệ thực tập; các khối kỹ thuật thì trao đổi với doanh nghiệp về kế hoạch sản xuất để cho sinh viên thực hành chuyên môn. Riêng với sinh viên y - dược, có thể coi đây là nguồn nhân lực quan trọng để tuyên truyền và phòng chống dịch COVID-19. ĐHTN đã chỉ đạo Trường Đại học Y - Dược (ĐHTN) xây dựng kịch bản sẵn sàng huy động sinh viên tham gia chống dịch khi tỉnh yêu cầu.

P.V: Vậy, trong thời gian nghỉ dài như vậy, ĐHTN có giải pháp nào để quản lý tốt đối với sinh viên?

GS.TS Phạm Hồng Quang:Về nguyên tắc, việc nghỉ ở đây là không đến trường chứ không phải nghỉ học hẳn. Bởi giáo dục đại học đề cao việc tự học, tự nghiên cứu. Chỉ đạo của ĐHTN nêu rõ, trong thời gian không tới trường, các em chủ động tự nghiên cứu giáo trình và tài liệu. Bên cạnh văn bản hành chính, website và một số kênh thông tin khác, một trong những điểm nhấn của ĐHTN trong quản lý sinh viên là sử dụng phần mềm có tên là SVOnline với hơn 40.000 tài khoản đăng ký. Sinh viên tiến hành khai báo thông tin, nhất là các biểu hiện liên quan đến dịch COVID-19 như khuyến cáo của ngành y tế. Nhờ vậy, chúng tôi cập nhật được thường xuyên, trước 16 giờ hằng ngày đều có tổng hợp báo cáo ban chỉ đạo và khuyến nghị sinh viên, thậm chí cả địa phương khi có trường hợp ốm, sốt, ho. Hiện tại, chưa sinh viên nào có biểu hiện của COVID-19. Các trường cũng nhắc nhở các em trong thời gian ở địa phương phát huy vai trò là những người có kiến thức và thông tin để tuyên truyền, phổ biến những kỹ năng phòng chống dịch cho cộng đồng.

P.V: Xu hướng dạy học trực tuyến ngày càng phổ biến, trong đợt nghỉ này việc đào tạo trực tuyến của các đơn vị thành viên ĐHTN được thực hiện thế nào, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Dù sinh viên nghỉ không đến trường nhưng theo Luật Viên chức thì cán bộ, giảng viên vẫn đi làm bình thường. Trong thời gian này, chúng tôi yêu cầu giảng viên tăng cường xây dựng các website và phần mềm để dạy học trực tuyến và nghiên cứu khoa học. Với dạy học trực tuyến thì tập trung chủ yếu vào môn ngoại ngữ và tin học. Đây có thể coi là cơ hội để đẩy mạnh dạy học và tương tác trực tuyến với sinh viên. Thực tế, ở nhiều trường số lượng tham gia đăng ký học khá đông, đạt 40-50% tổng số sinh viên.

26-2-2020-DB-2.jpg

Phun thuốc khử trùng phòng dịch COVID-19 tại ký túc xã Trường Đại học Sư phạm (ĐHTN)

P.V: Nếu không có gì thay đổi, lịch học sẽ trở lại từ tháng 3 tới, công tác chuẩn bị để đón sinh viên đã và đang được ĐHTN thực hiện như thế nào?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Sinh viên nghỉ không đến trường cũng là dịp để các đơn vị rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị để bổ sung và sửa chữa nếu cần. Đồng thời, ĐHTN yêu cầu tiến hành vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ các giảng đường và khu vực ký túc xá; chuẩn bị đầy đủ dung dịch rửa tay, khẩu trang để phát cho sinh viên. Trước lịch học trở lại khoảng nửa tuần, chúng tôi sẽ rà soát lại và phun khử trùng phòng dịch một lần nữa để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.

P.V: Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 sẽ lùi muộn hơn so với mọi năm từ 2 đến 3 tuần. Với phương án như vậy thì kế hoạch tuyển sinh của ĐHTN sẽ ra sao, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang:Theo tôi, kế hoạch tuyển sinh sẽ không thay đổi nhiều, có chăng là việc lùi thời gian lại để phù hợp với thời điểm kết thúc năm học bậc THPT.

P.V: Qua đợt phòng chống dịch này, ĐHTN rút ra được những kinh nghiệm gì, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Vấn đề quản lý giáo dục đại học trong giai đoạn chống dịch COVID-19 cũng giúp ĐHTN một số bài học. Theo tôi, đầu tiên là vấn đề quản trị, nắm bắt tình hình sinh viên phải hết sức kịp thời, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và xử lý nhanh các tình huống. Thứ hai là cần tăng cường dạy học trực tuyến trên quan điểm là bất cứ nơi đâu, bất cứ địa điểm nào cũng có thể học tập và tương tác với giảng viên. Đây cũng là dịp để đánh giá, so sánh năng lực, trình độ quản trị thực tế của các đơn vị thành viên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Trần Nhung - Hồng Tâm