Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

GIỚI THIỆU VỀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC, ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG CỦA ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

Đăng ngày: 03-10-2018 | 73304 lần đọc
|

GIỚI THIỆU VỀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC, ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

 CỦA ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

 

1. Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04/04/1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, nhằm hình thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, nông lâm ngư nghiệp, y tế, kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; nơi tư vấn và phản biện các chính sách phát triển nhằm đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, ĐHTN luôn kiên trì mục tiêu: “Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực”.Phát huy tiềm lực của mình, trong những năm qua, ĐHTN đã đào tạo số lượng lớn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Số người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm trên 70,0% số người học tốt nghiệp của ĐHTN. Một số lượng đáng kể cán bộ có trình độ sau đại học đã được thu hút về các địa phương. Lực lượng cán bộ này tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tham vấn và đề xuất luận cứ khoa học góp phần hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

2. ĐHTN tự hào là một trong 05 đại học đứng đầu về đào tạo tại Việt Nam, được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm Quốc gia.  Sứ mạng của ĐHTN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế xã hội cho Vùng Trung du - Miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Cơ cấu tổ chức của ĐHTN theo mô hình đại học hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm: các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc và phân hiệu Đại học (cơ sở đào tạo); các viện nghiên cứu khoa học và đơn vị phục vụ đào tạo. Tính đến 15/10/2018, ĐHTN có 25 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị đào tạo, bao gồm:

1.  Trường Đại học Sư phạm

(Mã trường: DTS)

 7. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông

(Mã trường: DTC)

2.  Trường Đại học Y-Dược

(Mã trường: DTY)

 8. Khoa Ngoại ngữ

(Mã khoa: DTF)

3. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Mã trường: DTK)

 9. Khoa Quốc tế

(Mã khoa: DTQ)

4. Trường Đại học Nông Lâm

(Mã trường: DTN)

 10. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật

(Mã trường: DTU)

5. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh

(Mã trường: DTE)

11. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai

(Mã phân hiệu: DTP)

 6. Trường Đại học Khoa học

(Mã trường: DTZ)

 

 Sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của ĐHTN không ngừng hoàn thiện và phát triển theo hướng đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, giảng viên gia tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học của ĐHTN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đang được tiếp tục đầu tư và hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Đại học Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh và hướng tới đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ viên chức tính đến ngày 31/12/2017 có 4199 người, trong đó có 2732 cán bộ giảng dạy. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao không ngừng lớn mạnh, gồm có 16 giáo sư, 147 phó giáo sư, 637 tiến sĩ, 2219 thạc sĩ. Riêng trong giai đoạn 3 năm (2015-2017), Đại học Thái Nguyên đã bổ sung thêm 08 giáo sư và 68 phó giáo sư, 175 tiến sĩ.

Các phòng thí nghiệm, nhà làm việc của cán bộ khoa học (dành cho những cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên) của các đơn vị thành viên đang được tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu, Dự án Giáo dục đại học 2 (TRIG) và đặc biệt là từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài hệ thống các thư viện tại các đơn vị thành viên (trường, khoa và trung tâm trực thuộc), Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên (với số vốn đầu tư 7,5 triệu USD từ tổ chức Đông - Tây hội ngộ) đi vào hoạt động từ đầu năm 2008 đang có sức hút lớn đối với giới học thuật nhờ có số lượng lớn đầu sách chuyên khảo trong và ngoài nước, kết nối interrnet với tốc độ cao thuận lợi cho khai thác thông tin từ thư viện điện tử và tài liệu trực tuyến.

3. ĐHTN hiện đang đào tạo 32 ngành tiến sĩ, 59 ngành thạc sĩ , 13 chuyên ngành chuyên khoa cấp I, 07 chuyên ngành chuyên khoa cấp II, 04 chuyên ngành bác sĩ nội trú, 135 ngành trình độ đại học và 21 ngành trình độ cao đẳng.

Hàng năm, ĐHTN tuyển sinh từ 1500-1700 học viên thạc sĩ, 50-70 nghiên cứu sinh tiến sĩ và hàng trăm học viên bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, 7000 – 9000 sinh viên đại học, cao đẳng.

Liên kết quốc tế đào tạo sau đại học, đai học cũng được triển khai từ năm 2007. Hiện Đại học Thái Nguyên đang liên kết đào tạo 03 ngành tiến sĩ, 06 ngành thạc sĩ, 09 ngành đại học với 13 trường đại học thuộc các quốc gia: Anh, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippine, Đài Loan, Pháp. Những chương trình đào tạo sau đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận văn bằng tương đương. Đến nay đã có hàng trăm người đạt học vị tiến sĩ và thạc sĩ do đối tác nước ngoài cấp bằng. Chương trình tiên tiến được giảng dạy và học tập được thực hiện bằng tiếng Anh, trang bị cho sinh viên kiến thức hiện đại, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng sử dụng thành thạo các công cụ tin học và ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn, giúp sinh viên phát triển các năng lực phân tích, đánh giá các vấn đề, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc trong tương lai.

4. Trong quá trình đào tạo, song song với việc tăng quy mô đào tạo, ĐHTN luôn chú trọng tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Đại học đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý và giảng viên trong toàn Đại học với nhiều nội dụng như: Xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành đào tạo một cách khoa học đáp ứng nhu cầu xã hội có tham khảo kinh nghiệm một số trường đại học trong và ngoài nước như mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, Ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành); đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định các trường đại học châu Á (AUN - Asean University Network) và tiến tới theo tiêu chuẩn kiểm định các trường đại học của Mỹ (ABET - Accreditation Board for Engineering and Technology); nâng cao chất lượng dạy và học theo hệ thống tín chỉ...

Phát huy các giá trị cốt lõi là chất lượng, sáng tạo, tiên phong, tích hợp, trách nhiệm xã hội cao và phát triển bền vững; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đóng góp cho sự phồn thịnh của Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.