Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

"Dạy và học ngoại ngữ ở bậc Đại học: Góc nhìn từ thực tiễn"

Đăng ngày: 28-03-2024 | 531 lần đọc
|

Đó là chủ đề Hội thảo Quốc gia do Trường Ngoại Ngữ, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức trong hai ngày 28 và 29/3. Dự Hội thảo có PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN; cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học đến từ Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng Sông Hồng.

29.3 (1).jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 126 bài báo cáo đến từ 19 trường Đại học, học viện trong cả nước như Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Đại học Hồng Đức, Đại học Hải Phòng, Học viện chính sách và phát triển. Trong đó Tiếng Anh có 93 bài, Tiếng Trung Quốc: 27 bài, Tiếng Hàn: 02 bài, tiếng Nga: 02 bài, tiếng Pháp 01 bài, các môn khoa học cơ bản: 03 bài. Ngoài ra, Hội thảo còn có 03 workshops và 15 báo cáo posters tiếng Anh; 11 posters tiếng Trung Quốc.

29.3 (4).jpg

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các giảng viên đến từ các trường đại học, học viện trong cả nước, Hội thảo là dấu ấn quan trọng, tiếp nối sự đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục đại học đến từ trung tâm thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi phía Bắc và miền đồng bằng Sông Hồng. Việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ là yếu tố then chốt để hội nhập quốc tế mà còn là công cụ thiết yếu để phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục.

29.3 (2).jpg

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao biểu trưng cho các đơn vị tổ chức Hội thảo

Báo cáo tham luận trình bày tại Hội thảo xoay quanh các chủ đề: Xây dựng năng lực liên văn hóa trong lớp học ngoại ngữ; nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của các chương trình đào tạo ngoại ngữ bậc đại học tại Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng; trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngoại ngữ; đánh giá kết quả học tập của người học tương thích với giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra; 5 lý do sử dụng đánh giá quá trình giảng dạy tiếng Anh ở bậc đại học. Tại phiên song song, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số chuyên đề: Phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở bậc đại học, ngôn ngữ học ứng dụng, ứng dụng công nghệ - thông tin trong giảng dạy tiếng Anh, thiết kế tài liệu giảng dạy tiếng Anh; phương pháp giảng dạy, thiết kế tài liệu giảng dạy và ngôn ngữ học ứng dụng, kiểm tra đánh giá tiếng Trung Quốc... 

29.3 (3).jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo "Dạy và học ngoại ngữ ở bậc Đại học: Góc nhìn từ thực tiễn" là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước, diễn giả, nhà khoa học, giảng viên đến từ các trường đại học, học viện trong cả nước trao đổi, thảo luận, đánh giá kinh nghiệm và những khó khăn, thách thức trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ; đề xuất các giải pháp, tham mưu các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thu Hà