Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Ra mắt video ngôn ngữ kí hiệu giúp người khiếm thính phòng, chống dịch Covid-19

Đăng ngày: 31-03-2020 | 1391 lần đọc
|

 
Ảnh được chụp từ video tuyên truyền hướng dẫn phòng Covid-19 cho người khiếm thính
Ảnh được chụp từ video tuyên truyền hướng dẫn phòng Covid-19 cho người khiếm thính
 

Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, nhóm sinh viên thực hiện đã sản xuất chuỗi video đồ họa chuyển động (Motion graphics), tập trung vào các nội dung về dịch Covid-19 như: phân biệt cúm thường và cúm do Covid-19, cơ chế lây nhiễm bệnh, những điều cần làm sau khi tiếp xúc người nhiễm và nghi nhiễm, biện pháp phòng chống, cách ăn uống tăng cường sức khỏe, sử dụng khẩu trang đúng cách... 

Nội dung được tổng hợp và thiết kế dựa trên nguồn thông tin chính thức của Bộ Y tế, qua sự thể hiện ngôn ngữ kí hiệu của giáo viên Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên. 

 
Giáo viên Đỗ Thị Phượng - phụ trách chính của nhóm hướng dẫn sinh viên xây dựng ý tưởng nội dung

Nhóm thực hiện đã dùng một số phần mềm ứng dụng kỹ thuật số xử lý hình ảnh và đồ họa chuyển động như illustrator, after effects, premier để thiết kế, tạo hiệu ứng, ghép nối.

Với thời lượng ngắn gọn, bằng những đồ họa thân thiện mà sinh động, các video giúp cho người khiếm thính có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.

“Mong muốn có thông điệp và đóng góp thiết thực vào công tác phòng chống dịch hiện nay, nhận thấy cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng là những người rất cần sự hỗ trợ thông tin, chúng tôi lên ý tưởng này và gấp rút thực hiện để kịp thời lan tỏa” - TS. Nguyễn Thị Hải Anh (Phó trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện) chia sẻ. 

Chị cũng cho biết, thầy cô và sinh viên bắt tay vào thực hiện dự án này trên tinh thần tự nguyện đồng lòng đóng góp công sức, vì ý nghĩa cộng đồng. 

 

Cô giáo Đỗ Thị Phượng - phụ trách chính của nhóm vui mừng kể: “Có hôm làm thâu đêm không nghỉ, cô trò cố gắng hết sức để xây dựng và chỉnh sửa, hoàn thiện. Dù gấp gáp và mệt, nhưng khi có sản phẩm, ai cũng rất vui”.

Nắm bắt tốt nền tảng công nghệ và kỹ thuật, nhưng nhóm thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có nhiều hiểu biết về cộng đồng người khiếm thính, tiêu chí lại đòi hỏi sáng tạo hấp dẫn, cùng với đó là áp thực trong thời gian ngắn cần có sản phẩm kịp thời giữa bối cảnh dịch đang có diễn biến gia tăng. Chạy đua thời gian, trong thời gian khoảng 10 ngày, nhóm thực hiện đã ra mắt chuỗi 6 video mang ý nghĩa thiết thực này.

Là một thành viên trực tiếp tham gia thực hiện, sinh viên Trần Quang Minh chia sẻ: “Trước khi làm, em chỉ nghĩ việc này giống như một bài tập, một thử thách. Khi sản phẩm được đón nhận, em mới thấy đó cũng là một cách lan tỏa cộng đồng. Đây là lần đầu tiên em được tham gia một công việc như thế này, hi vọng về sau chúng em sẽ có điều kiện thực hiện những dự án tương tự”. 
 

“Giao tiếp qua kênh hình ảnh là điều thông thường và rất cần thiết với người khiếm thính, khi tương tác bằng hình ảnh họ buộc phải tập trung chú ý. Vì vậy, các video ngôn ngữ kí hiệu này được các em đón nhận rất nhanh. Cách cung cấp thông tin này hết sức thiết thực cho không chỉ khoảng 200 học sinh khiếm thính của nhà trường mà còn cho cộng đồng người khiếm thính nói chung. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh nhà trường được cung cấp dạng sản phẩm hỗ trợ như thế này”. Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Hiệu trưởng Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.

 

Ngô Tiến-Thanh An.