Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

[Trường ĐH Sư phạm] Tập huấn giáo viên tiểu học cốt cán tại tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

Đăng ngày: 21-10-2019 | 9452 lần đọc
|
Ngày 17/10/2019 tại tỉnh Cao Bằng, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng tổ chức tập huấn – bồi dưỡng cho hơn 200 giáo viên tiểu học cốt cán của tỉnh về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

     Đến dự Lễ khai mạc khóa tập huấn – bồi dưỡng, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng có ông Lục Văn Dương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các phòng: Đào tạo và Bồi dưỡng, Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học. Về phía Trường Đại học Sư phạm – ĐHTN có PGS.TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo phòng/khoa, các giảng viên trực tiếp lên lớp và hơn 200 học viên là giáo viên Tiểu học cốt cán của tỉnh Cao Bằng.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tập huấn

 

     Chương trình ETEP còn gọi là “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 100 triệu USD. Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là một trong 08 trường đại học sư phạm (ĐHSP) chủ chốt được thụ hưởng Chương trình này.

     Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên được phân công bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán của 08 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên với tổng số 3241 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng trực tiếp với 09 mô-đun từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 06 năm 2022 và hơn 73.000 giáo viên phổ thông đại trà được hỗ trợ bồi dưỡng qua mạng.

     Mục tiêu của Chương trình là phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT), thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cụ thể:

(i) Hỗ trợ nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các trường ĐHSP/Học viện được lựa chọn trong đào tạo và bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT; (ii) Hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, hoạch định chính sách của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; (iii) Hỗ trợ các trường ĐHSP/Học viện được lựa chọn trong hoạt động hỗ trợ phát triển chuyên môn của GV&CBQLCSGDPT.

     Các kết quả chủ yếu của Chương trình là: (i) Năng lực đào tạo, bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT của các trường đại học sư phạm/học viện được lựa chọn được tăng cường; (ii) Đội ngũ GV&CBQLCSGDPT được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ; (iii) Các trường đại học sư phạm được hỗ trợ phát triển hệ thống nguồn học liệu mở cho GV&CBQLCSGDPT trên nền tảng CNTT được thực hiện kịp thời, có chất lượng; (iv) Nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT được đánh giá trên hệ thống TEMIS một cách hiệu quả, chính xác và kịp thời.

            Nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2019 tập trung vào việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, cụ thể:

            - Nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

            - Phân tích kế hoạch bài dạy minh họa trên các phương diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

            - Thực hành xây dựng nội dung và thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đối với một chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

            - Khai thác, sử dụng và quản lý hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trên hệ thống bồi dưỡng qua mạng.

            - Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện các nội dung bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương, cơ sở giáo dục (qua mạng và trực tiếp).

     Qua đợt tập huấn sẽ giúp giáo viên cốt cán hiểu và nhận diện đúng về chương trình GDPT mới, trên cơ sở đó có kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục tiểu học mới như: Kỹ năng lập kế hoạch và phát triển kế hoạch dạy học; Kỹ năng tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Kỹ năng đánh giá kết quả học tập theo định hướng năng lực; Kỹ năng tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

     Lần đầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được triển khai song hành giữa các trường ĐHSP cùng với các Sở Giáo dục – Đào tạo tới giáo viên phổ thông, thông qua việc thực hiện Chương trình ETEP, năng lực của đội ngũ GV&CBQLCSGDPT được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời qua đó tăng cường mối quan hệ giữa Trường Đại học Sư phạm và các Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV&CBQLCSGDPT hiện nay.

     Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

 

 

 

 

 

 

 
Tác giả bài viết: Bộ phận truyền thông trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên