Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Đại học Thái Nguyên

Đăng ngày: 04-05-2024 | 356 lần đọc
|

Sáng 4/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN).

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Văn hóa, Giáo dục và Văn phòng Quốc hội.

03.5 (1).jpg

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại Hội nghị

Đón tiếp và làm việc với Đoàn có PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN; các đồng chí trong Ban Giám đốc; đại diện lãnh đạo các Ban của ĐHTN và đại diện lãnh đạo các trường thành viên.

03.5.jpg

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo với Đoàn giám sát, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, ĐHTN cho biết, giai đoạn 2018 - 2023, ĐHTN đã tích cực triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. ĐHTN đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT để xây dựng và ban hành Kế hoạch, Đề án thực hiện. Kịp thời tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật theo quy định. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn chủ động xây dựng các văn bản triển khai rà soát, sắp xếp đơn vị, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đơn vị. Tiến hành rà soát, xây dựng các kế hoạch, đề án sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại một số đơn vị để thu gọn đầu mối.

03.5 (3).jpg

PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Trưởng ban Tổ chức cán bộ báo cáo với đoàn công tác

Số lượng đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc của ĐHTN tại thời điểm 31/12/2023 là 34 đơn vị, trong đó các đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc ĐHTN là 21 (gồm 08 trường đại học và cao đẳng thành viên, 13 trung tâm trực thuộc và Nhà xuất bản); có 13 đơn vị thuộc ĐHTN không có tư cách pháp nhân. Việc sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tổng số lượng biên chế sự nghiệp tại thời điểm 31/12/2023 thuộc ĐHTN tăng hơn so với năm 2022 với số lượng là 2.536 biên chế, do Bộ Nội vụ giao thêm 34 chỉ tiêu biên chế viên chức từ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang thuộc Khối địa phương (tỉnh Hà Giang) sang Bộ Giáo dục và Đào tạo (thuộc Khối Chính phủ). Đội ngũ viên chức, người lao động của ĐHTN tính đến tháng 12/2023 có 3.691 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, trong đó có 162 giáo sư, phó giáo sư; 925 giảng viên có trình độ tiến sĩ.

03.5 (4a).jpg

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, UV Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá về kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế như: Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các đơn vị sự nghiệp công lập được giao còn thấp và giảm, một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn ít (3 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư - nhóm 1; 1 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên - nhóm 2), do Đại học Thái Nguyên nằm trên địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế. Nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

03.5 (5).jpg

Đồng chí Vương Quốc Thắng, UV chuyên trách Ủy ban KH,CN&MT phát biểu tại Hội nghị

Sau khi nghe các đại biểu kiến nghị đề xuất, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Đại học Thái Nguyên bổ sung thêm thông tin, làm rõ hơn một số vấn đề như: công tác phối hợp giữa nhà trường với địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển vùng; công tác đào tạo theo đơn đặt hàng; các khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhất là liên quan đến tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật; việc sử dụng nguồn lực chung nhằm phát huy thế mạnh của đơn vị…

03.5 (6).jpg

PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc ĐHTN phát biểu

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên đã báo cáo, làm rõ những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung “đồng bộ” Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019-NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó cần nghiên cứu đổi mới theo hướng phân quyền nhiều hơn từ Bộ chủ quản sang Hội đồng Đại học, nhất là việc liên kết, cho thuê tài sản công…; Đề nghị tháo gỡ bất cập về tự chủ đại học được quy định tại Luật Giáo dục đại học nhằm trao quyền tự chủ cao hơn cho Đại học vùng gắn với chất lượng cao và trách nhiệm xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nhằm thúc đẩy mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, có quy định về hệ thống dịch vụ trong trường đại học, đổi mới chính sách về học phí hợp lý; làm rõ mô hình đại học 2 cấp trong các quy định của luật…

ĐHTN cũng đề nghị tăng mức trợ cấp chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ; đề nghị cho đại học vùng được hưởng cơ chế như hai đại học quốc gia, giao nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực này như đối với một đơn vị dự toán cấp I; việc quản lý, sử dụng tài sản công giao cho Hội đồng Đại học vùng quyết định hoặc quyết định một phần theo phân cấp. Vị trí/phụ cấp chức danh trong quy định đối với Đại học Vùng cần phải tiếp cận gần tương đương Đại học Quốc gia...

03.5 (2).jpg

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023. Chia sẻ với những khó khăn đặc thù của Đại học Thái Nguyên trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Đại học Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, từ những khó khăn trong thực tiễn, Đại học Thái Nguyên cần có các đề xuất về mặt chính sách, pháp luật cụ thể nhằm giải quyết những tồn tại, đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình quản trị Đại học tiên tiến, hiệu quả hơn, đặc biệt trong quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.

Thu Hà